Tiếng Việt | English

04/08/2017 - 02:50

Tự hào những địa chỉ đỏ lưu dấu chiến công

Để có được cuộc sống thanh bình, no ấm, hạnh phúc hôm nay, nhiều thế hệ đi trước đổ biết bao máu xương cho quê hương, đất nước. Và, tự hào thay khi trên mảnh đất Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” còn lưu dấu bao chiến công oanh liệt, nơi cha anh ta có những ngày “nằm gai, nếm mật” chờ ngày giành lại độc lập. Và những nơi ấy trở thành điểm đến tham quan, về nguồn,... thật lý tưởng.

Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ - “Việt Bắc” của miền Nam

Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ (1946-1949) thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Đây là 1 trong 3 căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng miền Nam trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử (DTLS) cấp quốc gia vào năm 2007.

Đây còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc: Nơi diễn ra Đại hội đại biểu Xứ ủy toàn Nam bộ, nơi Đài Phát thanh Nam bộ phát sóng buổi đầu tiên, nơi trình chiếu bộ phim tài liệu về cách mạng điện ảnh đầu tiên của nước nhà,... cùng biết bao trận đánh nổi tiếng làm “kinh hồn, khiếp vía” bọn thực dân xâm lược. Nơi đây cũng gắn liền những chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307, 309, Trung đoàn 120, 105 anh hùng,...


Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ (1946-1949) là 1 trong 3 căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng miền Nam trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ảnh: P.N

Trước đây, các vật liệu dùng để xây dựng nhà cửa, láng trại cho các cơ quan, đơn vị đều bằng đưng, lác, tre,... Trải qua chiến tranh khốc liệt cùng lũ lụt tàn phá, tất cả công trình xây dựng trước kia hiện không còn nữa, cảnh quan cũng thay đổi nhiều.

Từ năm 2013, Di tích Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ (1946-1949) được phục dựng với 6 điểm di tích gốc tiêu biểu gồm: Nơi ở của đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Bạch và Trần Văn Trà; Văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ; Phòng Bào chế y dược - Sở Y tế Nam bộ và Nhà in Nam bộ.

Ngoài ra, địa điểm này còn có nhà trưng bày về quá trình hoạt động cũng như lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp tại Nam bộ.

Đến khu di tích, những vạt cỏ xanh mướt, hồ sen mát lành cùng hoa cảnh rực sắc trong khuôn viên, ta cảm nhận được sự yên bình và càng khắc sâu công ơn, sự hy sinh của ông cha thuở trước.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Trước đây, ông bà tôi từng tham gia phục vụ các đồng chí lãnh đạo làm việc tại đây, đặc biệt là đồng chí Lê Duẩn. Bản thân tôi hiện tại cũng đang là nhân viên phục vụ tại khu di tích. Tôi rất tự hào vì quê hương Long An nói chung, xã Nhơn Hòa Lập nói riêng, từng là nơi ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng gian lao mà vẻ vang để giành lại độc lập cho quê hương”.

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh - Căn cứ trong lòng dân

Nếu như Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ (1946-1949) là nơi làm việc của cơ quan lãnh đạo các cấp của khu vực Nam bộ thì Khu DTLS Cách mạng tỉnh (Khu DTLS Bình Thành) chính là căn cứ địa cách mạng của Tỉnh ủy Chợ Lớn - Tân An trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tại đây, Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo, đề ra những chủ trương, nghị quyết, đưa phong trào cách mạng tỉnh nhà đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Về nguồn tại Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh. Ảnh: Lê Ngọc

Khu di tích Bình Thành tọa lạc tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, được công nhận DTLS cấp quốc gia vào năm 1998 với tổng diện tích được bảo vệ gần 93ha. Ngay khi tỉnh Long An được thành lập năm 1957, Bình Thành được chọn làm căn cứ của Tỉnh ủy.

Nơi đây là điểm tiếp giáp giữa miền Đông và Tây Nam bộ, rất gần với Sài Gòn, khi mở về phía Tây có thể liên kết với chiến khu Đồng Tháp Mười, về phía Đông có thể đến với những chiến khu vùng rừng già Đông Nam bộ./.

Phó Giám đốc Ban Quản lý DTLS - Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịchLong An) - Nguyễn Văn Thiện thông tin:

Long An hiện có 109 DTLS - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 20 di tích cấp quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh. Trong những DTLS trên địa bàn tỉnh, thì Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ (1946-1949) và Khu DTLS Cách mạng tỉnh là những “địa chỉ đỏ” phản ánh truyền thống đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của Long An và cả Nam bộ.

Những DTLS này là địa điểm thích hợp để cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, trường học, đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân trong, ngoài tỉnh tổ chức Về nguồn tìm hiểu truyền thống, từ đó khơi gợi lòng yêu nước cho thế hệ trẻ để nhớ ơn những người không tiếc máu xương cho hòa bình, độc lập hôm nay.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết