Nhiều khách tham quan về thăm Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An1. Đến với Khu DTLS cách mạng tỉnh Long An, được nghe những cán bộ nơi đây ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc để hiểu hơn về vùng đất anh hùng (nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ).
Khu DTLS là nơi có vị trí án ngữ hành lang chiến lược giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ, gần với Sài Gòn và dựa lưng vào Vương quốc Campuchia, vùng này trở thành căn cứ bưng biền độc đáo trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Anh Trần Minh Khoa, công tác tại Trung tâm Kinh doanh VNPT Long An nói: “Sau khi được tham quan Khu DTLS, tôi cảm nhận đây là nơi hội tụ những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp nhất. Đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu dũng cảm với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của Đảng bộ và nhân dân Long An dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những ý nghĩa trên, Khu DTLS xứng đáng được bảo tồn, tôn tạo nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau”.
Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ đang đẩy nhanh tiến độ thi công một số hạng mục2. Ngược về Đồng Tháp Mười, đi dọc kênh Dương Văn Dương đến Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ bên bờ kênh Dương Văn Dương thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Khu di tích này là 1 trong 3 căn cứ địa quan trọng của cách mạng miền Nam trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ cuối năm 1945 đến 1949, khu vực kênh Dương Văn Dương từng là nơi đặt trụ sở của các cơ quan lãnh đạo các cấp như: Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, Bộ Tư lệnh Khu 8, các ban trực thuộc Ủy ban Kháng chiến Hành chính, đồng thời là nơi đặt căn cứ của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh,... Khu vực kênh Dương Văn Dương từng ghi dấu bao sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, là nơi diễn ra Đại hội Đại biểu Xứ ủy toàn Nam bộ, nơi Đài Phát thanh Nam bộ phát sóng buổi đầu tiên,... Nơi đây còn diễn ra biết bao trận đánh nổi tiếng làm kinh hồn khiếp vía thực dân xâm lược. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) xác định, di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ là 1 trong 9 công trình trọng điểm. Hiện nay, các hạng mục công trình này đang “chạy nước rút” để kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 12/2016.
Du khách thích thú khi tham quan phòng trưng bày và hiện vật tại Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”
3. Có một công trình văn hóa thấm đẫm tính nhân văn, nơi truyền tải một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, nơi truyền thống toàn dân đánh giặc, giữ nước của dân và quân Long An được giới thiệu bằng những hiện vật, hình ảnh, tư liệu chân thật và quý báu, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt giải trí của nhân dân. Đó là Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Tượng đài có 2 hạng mục điêu khắc: Nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ, quần thể tượng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” được bố cục theo hướng rồng thiêng của truyền thống dân tộc vươn mình bay lên sau chiến thắng. Nhiều khách tham quan đến công viên tượng đài thích nhất là được tham quan phòng trưng bày và hiện vật.
Được biết, không gian trưng bày là một tổ hợp gồm 8 hộp hình, bảng giới thiệu nội dung, hình ảnh,... nhằm giới thiệu 8 chuyên đề về những chiến công nổi bật, những dấu ấn tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân và quân Long An. Qua đó, tái hiện cuộc chiến tranh nhân dân trên mảnh đất Long An hiền hòa, bình dị nhưng rất đỗi hào hùng, gồm: Nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc; 3 lần đánh đồn Đức Lập (chọn trận Đức Lập 2, ngày 27/10/1965 là trận tiêu biểu); Làng xã chiến đấu ở Long An; Sản xuất vũ khí tại công binh xưởng; Dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh; Trạm Quân y tại căn cứ Đám lá tối trời (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ); Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ; Trận Hiệp Hòa ngày 23/11/1963 - trận đánh điển hình của 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận, vũ trang.
Đoàn viên thanh niên xem thông tin Bia liệt sĩ tại Chiến khu Bình ThànhChiến tranh lùi xa vào quá khứ nhưng vết tích của những năm tháng kháng chiến còn hiện hữu mãi trong lòng của thế hệ hôm nay và mai sau. Và những địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cho bao thế hệ, cũng như minh chứng hùng hồn cho sự kiên trung và lòng quả cảm của những người con ưu tú của dân tộc./.
Lê Ngọc