Tiểu sử chị Võ Thị Sáu được đặt tại phòng truyền thống của ngôi trường mang tên nữ anh hùng
Giáo dục truyền thống cho học sinh
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quá (xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) mang tên người con ưu tú của quê hương. Ông Nguyễn Văn Quá sinh năm 1831 tại ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc; xuất thân trong gia đình nông dân Nho giáo, có cha là thầy dạy chữ Nho. Trước cảnh đất nước bị thực dân Pháp giày xéo, người dân sống lầm than, đói khổ, ông đứng ra chiêu mộ nghĩa binh đứng lên khởi nghĩa để chống lại cường quyền. Dấu ấn lớn nhất của ông là chỉ huy trận “18 thôn vườn trầu” hào hùng, oanh liệt vào đêm 08/02/1885. Ngày 11/02/1885, ông và lực lượng nghĩa quân gần 600 người tiến về Dinh quận Hóc Môn, giết chết đốc phủ Ca và tiến thẳng vào Sài Gòn. Sau này, ông bị giặc Pháp bắt và dùng mọi thủ đoạn tra khảo, dụ dỗ làm tay sai cho chúng nhưng không thành. Vào ngày 30/3/1886, thực dân Pháp hành hình ông tại chợ Hóc Môn, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng nhân dân.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quá - Lâm Văn Cảnh, trường được vinh dự mang tên Nguyễn Văn Quá, GV, HS trường rất tự hào. Trong năm học, trường luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống cho HS, nhất là tiểu sử về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Văn Quá. Trong các dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày giỗ của ông, trường ôn lại tiểu sử của ông cũng như cho HS tham gia dọn dẹp đền thờ của ông tại địa phương.
Trường THCS Nguyễn Trung Trực (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống cho HS. Bởi, không chỉ tự hào được mang tên trường là vị anh hùng dân tộc mà còn là trách nhiệm trong giáo dục thế hệ trẻ hiểu về truyền thống, biết ơn công lao các bậc tiền nhân để xứng đáng với những hy sinh đó. Trong hoạt động sinh hoạt đầu năm học, trường giới thiệu đến HS về tiểu sử Nguyễn Trung Trực. Hoạt động ấy cũng thường xuyên lặp lại trong các dịp sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, ngày giỗ của cụ,... Nhờ vậy, HS hiểu thêm về tên của trường cũng như những chiến công của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Được dạy và học tại ngôi trường mang tên nhân vật lịch sử, GV, HS không những vinh dự, tự hào mà còn ra sức phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy, đạt thành tích tốt trong học tập. Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP.Tân An) nhiều năm giữ vững chất lượng giáo dục. Trường không chỉ lợi thế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mà còn có đội ngũ GV giỏi, tâm huyết, yêu nghề.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - Nguyễn Văn Bơ chia sẻ: “Trường bảo đảm mỗi lớp 1 phòng học riêng. Mỗi phòng học có tivi kết nối Internet tạo thuận lợi cho GV ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương pháp giảng dạy giúp nâng cao hiệu quả tiết học. Ngoài ra, GV của trường luôn được quan tâm, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, đặc biệt là tích cực tham gia các hội thi về GV giỏi giúp có thêm kinh nghiệm, nâng cao năng lực. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của trường ngày một nâng lên”.
Yêu nghề và tự hào về ngôi trường được mang tên Võ Thị Sáu, cô Nguyễn Thị Thanh Vân luôn tâm huyết, hết mình trong sự nghiệp trồng người của mình. Chủ nhiệm lớp 2/2, dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cô Thanh Vân không chỉ cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm mà còn hết lòng tận tụy vì HS, giúp các tiết học đạt hiệu quả cao nhất có thể. Trong quá trình giảng dạy, cô chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất HS thông qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm sắm vai,…
“Được hòa mình vào tiết học, nói lên suy nghĩ, chính kiến của mình, HS hứng thú học tập và tự khám phá ra nhiều kiến thức mới. Như trong hoạt động tìm hiểu về nghề nghiệp, các em được trải nghiệm làm GV, bác sĩ, kỹ sư,... thay cho GV nói lý thuyết nên tiết học sôi nổi, sinh động và giúp các em tư duy, hiểu về nghề nghiệp rõ nét hơn” - cô Thanh Vân thổ lộ.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Trung Trực tham gia hoạt động trải nghiệm
Tại Trường THCS Nguyễn Trung Trực (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức), các phòng học và phòng bộ môn đều có màn hình tivi 60 inches và máy tính kết nối Internet phục vụ việc dạy học ứng dụng công nghệ thông tin, các thí nghiệm ảo, liên kết trực tiếp trên các trang web. Trong quá trình dạy, GV chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú trong các giờ dạy, hướng dẫn HS tự học, tham gia các hoạt động học tập nhóm, dạy học STEM,...
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trung Trực - Đặng Thị Thúy Hoa cho biết: “Ngoài điều kiện cơ sở vật chất, GV đổi mới phương pháp giảng dạy, trường còn phát huy tinh thần học tập và ý thức tự học của HS. Trường kết hợp dạy học với giáo dục, học đi đôi với hành; học và trải nghiệm thực tế; học và lao động, sản xuất; học và vui chơi, giải trí. Trường chú trọng giáo dục toàn diện HS, phát huy năng lực chuyên biệt của từng em: HS giỏi văn hóa, giỏi thể thao, giỏi kỹ năng khác,... với tinh thần “dạy thực chất, học thực chất”, đến trường không chỉ để học văn hóa mà còn học các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội,…”.
Dạy và học tại những ngôi trường mang tên nhân vật lịch sử, GV, HS luôn cố gắng để xứng đáng với bậc tiền nhân. Những ngôi trường mang tên nhân vật lịch sử đó cũng là niềm tự hào của quê hương Long An./.
An Nhiên