Tiếng Việt | English

23/11/2023 - 09:17

Tự hào quá Long An ơi!

Sáng nay, ngày 23/11/2023, tỉnh phấn khởi kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/1963 – 23/11/2023) và long trọng đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh được Chủ tịch nước trao tặng. Những ký ức hào hùng của một thời gian lao mà anh dũng lại ùa về, nhắc nhớ về truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Long An đã quyết tử để Tổ quốc quyết sinh,…

Sau cuộc “Đồng khởi” (1960-1961), chính sách cai trị độc tài, phát xít của chính quyền Ngô Đình Diệm đã thất bại căn bản. Mỹ - Diệm buộc phải áp dụng chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, mà cốt lõi là “quốc sách ấp chiến lược” (kế hoạch Stalây - Taylor) với tham vọng sớm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng (tháng 01/1961 đến 11/1962). Địa bàn Long An được Mỹ - Diệm xác định là ưu tiên số 1 nên chúng tiến hành chiến lược này rầm rộ trên phạm vi toàn tỉnh.

Trước tình thế đó, Tỉnh ủy chủ trương nhanh chóng hình thành lực lượng vũ trang ở ba cấp, phát động phong trào thanh niên tòng quân nhập ngũ; phát triển công binh xưởng sản xuất vũ khí; phát triển các tổ chức quần chúng như Nông hội, Phụ nữ, Thanh niên tích cực chuẩn bị cho đấu tranh chính trị; tổ chức tập huấn về công tác vận động quần chúng; phát động đấu tranh chính trị;...

Phong trào đấu tranh ở Long An đã ngăn chặn hiệu quả chương trình gom dân, lập ấp chiến lược của địch trong năm 1962 chỉ đạt 13,6% kế hoạch trong toàn tỉnh.

Do đó, địch tăng cường thêm nhiều lực lượng, phương tiện chiến tranh về Long An và tổ chức những cuộc hành quân bình định có quy mô rất lớn. Lực lượng này còn trực tiếp tiến hành gom dân, lập ấp chiến lược với tốc độ rất nhanh. Chúng đẩy lực lượng của tỉnh vào tình thế khó khăn về nhiều mặt như thiếu căn cứ đứng chân và địa bàn hoạt động quân sự, thiếu nguồn cung cấp lương thực từ quần chúng,...

Tháng 9/1963, Tỉnh ủy Long An triệu tập cuộc họp mở rộng, phân tích tình hình và nêu quyết tâm: “Kiên quyết phá toàn bộ ấp chiến lược của địch, mở rộng căn cứ, khôi phục lại thế của vùng giải phóng như cũ, tạo điều kiện đẩy chiến tranh nhân dân lên một bước mới”.

Cùng với việc chuẩn bị cho mũi tấn công quân sự, tỉnh rất chú trọng công tác đấu tranh chính trị và binh vận, tăng cường đưa cán bộ, đảng viên, du kích mật thâm nhập vào các ấp chiến lược và tích cực hoạt động.

Lúc này, Trung tâm Huấn luyện biệt kích của địch (nay thuộc thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa) là mục tiêu được ta chọn đánh địch. Căn cứ này có quy mô tương đối lớn, trang bị vũ khí mạnh; sức chứa khoảng 500 quân do 21 sĩ quan ngụy và 14 cố vấn Mỹ chỉ huy, tầm hoạt động của nó bao trùm nhiều tỉnh của Nam bộ.

Với quyết tâm cao, ta sử dụng tất cả lực lượng tập trung của tỉnh (Đại đội 1, Đại đội 2, đặc công, trinh sát, hỏa lực) cùng với lực lượng của huyện Đức Hòa, huy động thêm một số vũ khí lớn, hàng trăm dân công của nhiều huyện để phục vụ trước và sau trận đánh. Quyết tâm đánh căn cứ Hiệp Hòa, một mục tiêu rất lớn so với lực lượng của tỉnh thể hiện bản lĩnh lãnh đạo táo bạo và quyết đoán của Tỉnh ủy Long An.

Đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1963, trận tiến công căn cứ Hiệp Hòa diễn ra mở đầu cho cao trào phá ấp chiến lược của tỉnh. Chiến thắng này mở ra phong trào phá ấp chiến lược sôi nổi và mạnh mẽ nhất, làm thất bại hoàn toàn chương trình bình định của địch ở địa bàn Long An.

Thắng lợi của trận Hiệp Hòa đã minh chứng tính đúng đắn của những chủ trương và quyết tâm trong lãnh đạo của Tỉnh ủy Long An. Thắng lợi này đã làm rúng động tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền, báo trước thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” trên địa bàn tỉnh.

60 năm đã trôi qua, thắng lợi vang dội và những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng trận Hiệp Hòa năm 1963 vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được tiếp tục phát huy, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Chiến thắng trận Hiệp Hòa tô đậm thêm truyền thống, lịch sử của quê hương, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ mai sau.

Trong niềm phấn khởi kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa, niềm vui như nhân đôi khi chúng ta cùng đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An vì đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Đây là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ghi nhận thành tích vẻ vang, sự cống hiến của các thế hệ cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ; của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân Long An trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Niềm vinh dự này là động lực to lớn để thế hệ hôm nay tiếp bước các bậc tiền nhân lập nên những kỳ tích rực rỡ, đưa quê hương Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” vươn lên mạnh mẽ, xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp hơn, góp phần xây dựng nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc./.

Long An

Chia sẻ bài viết