Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện kể chuyện về Bác Hồ vào sáng thứ sáu hàng tuần
Kể để hiểu và làm theo Bác
Cuối năm 2016, trong một cuộc họp Đảng ủy Công an huyện, Thượng tá Lê Thành Trung - Trưởng Công an huyện Đức Hòa, trăn trở, việc tổ chức, thực hiện học tập và làm theo gương Bác ở đơn vị chưa sâu, còn chung chung nên đề xuất thực hiện mỗi tuần kể một câu chuyện về Bác. Sau cuộc họp này, Đội Tổng hợp xây dựng kế hoạch thực hiện kể chuyện về Bác vào sáng thứ sáu hàng tuần trong cuộc sinh hoạt chính trị của đơn vị và được nhất trí cao.
Từ đầu năm 2017 đến nay, vào sáng thứ sáu hàng tuần, toàn thể cán bộ, chiến sĩ dự họp, chỉ dành khoảng 20 phút để thủ trưởng đơn vị đánh giá, nhận xét công tác xây dựng lực lượng, thời gian còn lại (2-3 tiếng), đơn vị sinh hoạt kể một mẩu chuyện về Bác Hồ. “Theo quy định của đơn vị, những mẩu chuyện về Bác sẽ được kể luân phiên. Mỗi tuần, một đội cử một đồng chí kể chuyện. Việc kể chuyện về Bác ở đơn vị được thực hiện rất bài bản như một cuộc sinh hoạt, diễn đàn” - Trung tá Lê Thị Nga - Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an huyện Đức Hòa, cho biết.
Để mỗi câu chuyện kể về Bác đi vào lòng người, đơn vị yêu cầu người được phân công kể chuyện phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nêu hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa, giá trị của câu chuyện, ai là người kể lại, bài học áp dụng vào thực tế công tác và cuộc sống. Sau đó, thủ trưởng đơn vị gợi ý để các đồng chí khác tiếp tục trao đổi về mẩu chuyện, rút ra thêm một số ý nghĩa, bài học liên quan.
“Các đồng chí khác có thể góp ý thêm cho người kể về cách diễn tả, biểu cảm, giọng kể, nhấn nhá sao cho hợp lý để hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Cuối cùng, người chủ trì đánh giá, đúc kết lại câu chuyện để nhắc nhở bản thân, cấp dưới cùng thực hiện tốt” - Trung tá Lê Thị Nga - Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an huyện Đức Hòa, cho biết thêm.
Học Bác suốt đời
Qua những lần kể chuyện về Bác, Đại úy Lê Thị Hạnh Nhi (Đội Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Đức Hòa) luôn nhận được những tràng pháo tay từ cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị. Chị có giọng kể truyền cảm, dễ nghe.
Đại úy Lê Thị Hạnh Nhi cho rằng: “Mỗi tuần kể một mẩu chuyện về Bác là việc làm rất hay, ý nghĩa của đơn vị. Từng câu chuyện về Bác cho chúng ta những bài học rất bổ ích, thiết thực. Bản thân tôi tâm đắc về phong cách sống tiết kiệm, tình yêu thương đồng chí, đồng đội, con người, tôn trọng thành quả lao động, tinh thần trách nhiệm cao với công việc và gần gũi với nhân dân của Bác”.
Với nhiệm vụ chính là phụ trách công tác giam giữ nên chị Nhi thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với những người phạm tội, vi phạm pháp luật. Học Bác qua những câu chuyện kể, chị Nhi nhắc nhở bản thân không được kỳ thị, xa lánh với những người lầm lỗi. Ngược lại, phải gần gũi, động viên và có trách nhiệm giúp đỡ họ vươn lên, làm lại cuộc đời, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Cũng theo chị Nhi, từ những câu chuyện kể về Bác, bản thân luôn tự soi rọi lại mình, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm. “Học để hiểu, biết và quan trọng là phải làm theo. Do đó, mình phải sớm khắc phục, sửa chữa những gì còn hạn chế” - Đại úy Lê Thị Hạnh Nhi chia sẻ.
Còn Thượng úy Phan Thanh Bình - cán bộ Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, luôn được các cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị khen vì cách kể chuyện rất có duyên, lôi cuốn, hấp dẫn người nghe. Mỗi câu chuyện, anh Bình rút ra những bài học rất sát với nhiệm vụ đang công tác để truyền tải đến đồng chí, đồng đội những thông điệp rõ ràng, cụ thể, ý nghĩa.
Học và làm theo gương Bác để làm tốt hơn nhiệm vụ được giao (Trong ảnh: Cảnh sát giao thông, Công an huyện Đức Hòa tuần tra, kiểm soát giao thông)
Thượng úy Bình nói, rất thích nghe và kể những câu chuyện về Bác, vì qua đó sẽ hiểu hơn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và phẩm chất đạo đức, lối sống giản dị của Người. Thượng úy Bình tâm sự: “Mỗi câu chuyện về Bác là những bài học rất bổ ích, có tính thực tiễn cao. Chẳng hạn mẩu chuyện “Nước nóng, nước lạnh” là bài học về sự kiềm chế bản thân, dù điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải bình tĩnh, nóng vội rất dễ dẫn đến sai sót”.
Anh Bình rất tự hào khi được đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân. Vì thế, anh luôn rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác và thực hiện tốt Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Qua mỗi câu chuyện kể về Bác, anh nhận ra những hạn chế của bản thân để “sửa mình” ngày càng tốt hơn. Với công việc hiện tại, thường xuyên tiếp xúc với người dân, anh luôn giữ thái độ, tác phong, lễ tiết chuẩn mực, tận tình, chu đáo khi làm việc.
“Việc học, làm theo gương Bác không phải một sớm, một chiều, một thời gian ngắn rồi dừng lại mà phải thực hiện thường xuyên, mỗi ngày, liên tục và suốt đời. Học và làm theo gương Bác ngay từ những chuyện nhỏ trong cuộc sống đời thường” - Thượng úy Phan Thanh Bình trải lòng./.
Vũ Quang