Tiếng Việt | English

07/05/2022 - 09:05

Từng bước đưa Luật Tài nguyên nước vào thực tế

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Long An - Nguyễn Tân Thuấn, thời gian qua, công tác quản lý, khai thác tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn được chú trọng, nhất là từ khi Luật TNN năm 2012 có hiệu lực thi hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành đạt hiệu quả.

Việc tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả nhất định

Việc tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả nhất định

Cơ sở pháp lý quan trọng

Sở TN&MT chủ trì và phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn văn bản pháp luật, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề về lĩnh vực môi trường và tài nguyên. Bên cạnh việc áp dụng linh hoạt các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ, Bộ TN&MT, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý đối với lĩnh vực TNN. Song song đó, tỉnh đề ra rất nhiều giải pháp để thực thi hiệu lực, hiệu quả Luật TNN: Ngăn chặn, hạn chế, phòng ngừa các vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt; khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; áp dụng các biện pháp quản lý, giảm thiểu và hạn chế việc khai thác nước dưới đất. Đồng thời, địa phương khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước mặt, nhất là đối với nước phục vụ sản xuất công nghiệp. Nhiều công trình, dự án sử dụng nước mặt được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước mặt hiện có.

Huyện Cần Giuộc có 6 công ty (Cty) cấp nước, 128 trạm cấp nước nông thôn cung cấp nước cho khoảng 34.200 hộ dân sử dụng. Trong đó, Nhà máy Nước Nhị Thành (thuộc Cty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP-Long An, huyện Thủ Thừa) đưa vào vận hành tuyến ống dẫn nước sạch từ Nhà máy Nước Nhị Thành về đấu nối vào hệ thống mạng lưới cấp nước trên địa bàn, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh lên 98,6% và 77% hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn của Bộ Y tế. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền (ấp Tân Chánh, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc), hiện nay, gia đình sử dụng nước sạch từ dự án Nhà máy Nước Nhị Thành. Người dân ở đây phấn khởi, vui mừng vì sau nhiều năm, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cơ bản không còn, nhất là vào mùa khô.

Được biết, thực hiện chủ trương của tỉnh, Cty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP-Long An làm chủ đầu tư và đưa vào sử dụng dự án Nhà máy Nước Nhị Thành (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa). Nhà máy sử dụng nguồn nước từ hệ thống kênh Rạch Chanh, sau khi xử lý sẽ cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho người dân. Nhà máy Nước Nhị Thành có công suất thiết kế 80.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 30.000m3/ngày đêm), cấp nước sạch cho một phần địa bàn TP.Tân An và các huyện: Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc với lưu lượng thực tế khoảng 37.000m3/ngày đêm. Dự án cũng là một minh chứng cho thấy các giải pháp mà tỉnh triển khai thi hành Luật TNN đạt hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch yêu cầu trám lấp, đóng bít các giếng khai thác nằm trong các khu, cụm công nghiệp đã có đường ống cấp nước mặt để bảo vệ TNN cũng như thực thi các quy định của luật. Việc này đang được tập trung triển khai và đạt kết quả tích cực. Theo đại diện Cụm công nghiệp Đức Thuận (huyện Đức Hòa), đơn vị phối hợp huyện, Sở TN&MT thực hiện trám lấp, đóng bít toàn bộ các giếng khoan (30 giếng) trong cụm, tổ chức vận động các doanh nghiệp thứ cấp chuyển sử dụng nguồn nước mặt hiện có. Nguồn nước cấp của đơn vị cấp nước mặt hiện nay bảo đảm về chất lượng, lưu lượng và giá cả phù hợp.

Cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn cho biết: Qua triển khai thi hành cho thấy, Luật TNN năm 2012 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc TNN còn thiếu, phân tán. Trong khi đó, nhu cầu thông tin dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý TNN, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, công tác dự báo, thẩm định hồ sơ cấp phép ở các địa phương cần đầy đủ và đồng bộ; hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị và các đoạn sông xung quanh thành phố và khu công nghiệp. Việc kiểm soát chất lượng nước và ô nhiễm nước ở các vùng nông thôn chưa được quan tâm thỏa đáng; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm phát sinh thêm nhiều vấn đề, khó khăn cho công tác bảo vệ TNN;...

Ảnh Châu Sơn

Ảnh Châu Sơn

Trên cơ sở đó, Long An đề xuất, kiến nghị cần điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật TNN năm 2012 để việc thi hành đạt hiệu quả, phù hợp với thực tế cuộc sống. Trong đó, cần thống nhất quy định hoặc ban hành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương giáp ranh trong công tác quản lý, điều hòa, phân bổ hài hòa nguồn nước giữa các ngành, địa phương. Rà soát, loại bỏ các quy định chồng chéo, bất cập giữa các ngành, chú trọng làm rõ vai trò, trách nhiệm giữa ngành TN&MT và ngành Nông nghiệp trong các vấn đề về quản lý nguồn nước (xả nước thải, cấp nước sinh hoạt,...); phòng, chống xâm nhập mặn, sạt, lở; ứng phó biến đổi khí hậu; ban hành quy định hướng đến việc tinh giản các giấy phép con không cần thiết. Quy định cụ thể các cơ chế, định mức kỹ thuật về TNN để địa phương áp dụng thực hiện nhiệm vụ được thống nhất, tránh sai sót. Đồng thời, tỉnh đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tổ chức thi hành hiệu quả Luật TNN, trong đó, cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhà nước về quản lý tài nguyên cho các địa phương.

"Các cơ quan quản lý về TNN cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng TNN và xả thải vào nguồn nước của doanh nghiệp trong thời gian tới; đồng thời, kết hợp với theo dõi, giám sát các biến động về nguồn nước của các tuyến sông, kênh, rạch chính" - ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin thêm./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết