Tiếng Việt | English

05/02/2024 - 08:35

Từng bước gắn kết du lịch và văn hóa - lịch sử địa phương

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo phát triển du lịch tỉnh năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được khẳng định, du lịch không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn phát triển giáo dục, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước ở thế hệ trẻ, góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực. Muốn làm được điều đó, cần tận dụng tốt mối tương quan giữa du lịch và văn hóa - lịch sử trên địa bàn tỉnh Long An, từng bước xây dựng, hình thành mối quan hệ 2 chiều tương hỗ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử và phát triển du lịch.

Thời gian gần đây, du lịch văn hóa được nhiều địa phương chú trọng nhằm khai thác các nguồn lực sẵn có về văn hóa, lịch sử thành sản phẩm du lịch riêng biệt và nổi bật. Long An vốn là vùng đất anh hùng trong kháng chiến, quê hương của các danh nhân, nhà yêu nước được nhiều người biết đến.

Đó là một trong những lợi thế của địa phương trong việc thúc đẩy du lịch văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển song hành giữa du lịch và bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử tại tỉnh.

Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được cùng Đoàn công tác đến thắp hương tại Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Ảnh: Khu lưu niệm cung cấp)

Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được cùng Đoàn công tác đến thắp hương tại Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Ảnh: Khu lưu niệm cung cấp)

Phát triển du lịch từ lịch sử - văn hóa

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, toàn tỉnh có 125 di tích lịch sử, 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 1 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Mỗi địa điểm, khu di tích đều có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Năm 2023, Long An thu hút khoảng 176.000 lượt khách tham quan và tham gia lễ hội tại các khu di tích lịch sử - văn hóa. Riêng Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc đón khoảng 40.000 lượt khách đến tham quan.

Khu Công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc là một trong những công trình văn hóa thu hút du khách tại Long An

Khu Công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc là một trong những công trình văn hóa thu hút du khách tại Long An

Khu Công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc là một trong những công trình văn hóa thu hút du khách tại Long An

Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức) cũng là địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh với gần 9.000 lượt khách (cả khách đoàn và khách vãng lai) đến thăm trong năm 2023. Được xây dựng năm 2015, Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ có tổng diện tích 10.000m2 với nhiều hạng mục: Đền tưởng niệm, phòng trưng bày thân thế và sự nghiệp luật sư Nguyễn Hữu Thọ, thư viện Nguyễn Hữu Thọ,... Tại đây, du khách có thể tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người con tài hoa của đất Long An, qua các hình ảnh, mô hình, tài liệu: Quê hương Bến Lức, gia đình của luật sư; quá trình luật sư sống và học tập trên đất Pháp; quá trình tham gia cách mạng; hoạt động đối ngoại và những cống hiến của luật sư Nguyễn Hữu Thọ với công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,...

Ngoài ra, du khách còn có thể đến thăm khu nhà ở thời thơ ấu của luật sư vừa được phục dựng trên nền ngôi nhà cũ năm xưa. Giá trị to lớn của khu lưu niệm chính là câu chuyện về nhà trí thức yêu nước, người chiến sĩ cách mạng chân chính Nguyễn Hữu Thọ.

Tại Công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc, điểm nhấn chính là 8 hộp hình tượng trưng cho 8 chữ vàng của Long An. Không gian tham quan các hộp hình được thiết kế khá đặc biệt giúp du khách chỉ tập trung vào các khu vực đang được giới thiệu. Sự kết hợp chặt chẽ giữa hiệu ứng ánh sáng, âm thanh giúp trải nghiệm tham quan thêm sống động và tạo dấu ấn cho du khách. Cả quá trình đấu tranh của quân và dân Long An được tổng hợp, thu gọn qua các hình ảnh chân thật, giàu cảm xúc: Cầu người, công binh xưởng,...

Có thể nhận thấy, các câu chuyện về lịch sử, văn hóa nhận được sự quan tâm của nhiều người nếu được truyền tải một cách hấp dẫn. Sự thu hút của một số khu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh như đã kể trên là minh chứng cụ thể. Những câu chuyện ẩn chứa bên trong mỗi địa điểm lịch sử - văn hóa đều có nhiều tiềm năng khai thác và phát triển du lịch.

Còn lắm khó khăn, cần nhiều giải pháp

Tại Long An, các tiềm năng văn hóa, lịch sử hiện chưa được phát huy đúng mức. Số di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh có “điểm nhấn” như trên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết các khu di tích lịch sử - văn hóa đều dừng lại ở việc trưng bày, giới thiệu theo cách truyền thống, các dịch vụ phụ trợ đi kèm tại các khu di tích (dịch vụ ăn, uống, giải trí, bán quà lưu niệm,...) chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách.

Du khách đến thăm các khu di tích chỉ cần không quá 30 phút để đọc, xem các hình ảnh, thông tin trưng bày mà không có thêm bất cứ hoạt động hay chương trình nào khác đi kèm. Điều đó tạo ra rào cản không hề nhỏ cho việc phát triển du lịch từ nguồn tài nguyên lịch sử - văn hóa của địa phương.

Không gian trưng bày 8 hộp hình tượng trưng cho 8 chữ vàng của Long An là điểm nhấn tại Công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc

Không gian trưng bày 8 hộp hình tượng trưng cho 8 chữ vàng của Long An là điểm nhấn tại Công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh từng nhận định tại Hội thảo phát triển du lịch tỉnh năm 2023, hoạt động du lịch tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh còn rời rạc, chưa có sự liên kết. Việc phát triển du lịch gắn với quảng bá, phát huy các giá trị công trình văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Một phần nguyên nhân là thiếu kinh phí, thiếu chiến lược đầu tư đồng bộ khiến nhiều di tích lịch sử - văn hóa xuống cấp theo thời gian nhưng chưa thể trùng tu, tôn tạo, việc kết nối giao thông cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm khắc phục các hạn chế đó, tỉnh đẩy mạnh xây dựng các tour, tuyến kết nối giữa tham quan di tích lịch sử - văn hóa gắn với các hoạt động trải nghiệm. Từ đó, tạo mối liên kết giữa các khu du lịch và di tích lịch sử - văn hóa nhằm đa dạng chương trình, hoạt động trong chuyến đi, tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để thu hút du khách.

Tại huyện Bến Lức, Tân Trụ, việc đẩy mạnh kết nối các điểm đến được triển khai ráo riết. Một số tour du lịch kết nối giữa Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, Khu tưởng niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ với Khu du lịch Happyland, Chavi Garden được triển khai và thu hút được đối tượng du khách là học sinh, sinh viên.

Năm 2023, Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ đón khoảng 9.000 lượt khách (Ảnh: Khu lưu niệm cung cấp)

Năm 2023, Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ đón khoảng 9.000 lượt khách (Ảnh: Khu lưu niệm cung cấp)

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển du lịch học đường cũng là định hướng được quan tâm. Từ việc phát triển du lịch học đường, đáp ứng yêu cầu về tìm hiểu văn hóa - lịch sử địa phương, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ kết hợp vui chơi, giải trí, các điểm đến là khu di tích lịch sử - văn hóa sẽ thực hiện được mục tiêu tăng cường quảng bá hình ảnh, có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển các dịch vụ phụ trợ, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh - Nguyễn Trần Hoàng Phương khẳng định: “Để phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch, cần tập trung phát triển du lịch giáo dục và du lịch học đường”.

Giám đốc Công ty TNHH Mice Travel - Đặng Thị Cẩm Hường cho biết: Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh hoàn toàn đáp ứng yêu cầu các tour du lịch học đường, về nguồn, học tập, trải nghiệm kết hợp giữa giáo dục truyền thống và du lịch vui chơi, giải trí.

Bà mong muốn các trường học trên địa bàn tỉnh sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho học sinh tham quan, trải nghiệm, học tập tại các điểm du lịch trong tỉnh, vừa tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương, vừa góp phần phát triển du lịch tỉnh.

Du lịch và lịch sử - văn hóa vốn có mối quan hệ cộng sinh trong quá trình phát triển. Du lịch dựa vào lịch sử - văn hóa để phát triển sản phẩm, thu hút du khách và qua đó, các khu di tích lịch sử - văn hóa được quảng bá và phát triển tốt hơn. Tại Long An, sự liên kết, phối hợp đó đang từng bước được triển khai với sự nỗ lực chung./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết