Tiếng Việt | English

27/07/2017 - 02:30

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình: Cần sự chung tay của hệ thống chính trị

Dân số (DS) có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần giảm nghèo và phát triển KT-XH. Vì vậy, vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng mạng lưới cộng tác viên (CTV) DS cơ sở là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công tác DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).


Nhờ tuyên truyền, vận động nên nam, nữ chuẩn bị kết hôn nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân

Vào cuộc với quyết tâm cao

Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, điều hành góp phần giúp công tác DS ngày càng hiệu quả, nhất là tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Trưởng ban DS-KHHGĐ, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An - Nguyễn Võ Như Khoa chia sẻ: “Toàn xã có 1.401 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và 31 CTV DS - gia đình và trẻ em. Hàng năm, ban DS tham mưu Thường trực Đảng ủy, HĐND và UBND xã ban hành kế hoạch và giao chỉ tiêu từng ấp, từng CTV. Theo đó, việc tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: Qua hệ thống loa, đài; lồng ghép trong các cuộc họp dân, họp chi, tổ hội ở các ấp,...

Ngoài ra, xã còn thành lập Câu lạc bộ “Gia đình không có người sinh con thứ 3 trở lên” ở 6 ấp và CLB “Đờn ca tài tử không có người sinh con thứ 3 trở lên” tại ấp 4. Ngoài ra, xã còn đưa chính sách DS vào quy ước khu dân cư, xem đây là cơ sở để bình xét hộ gia đình văn hóa. Chính vì vậy, công tác DS hàng năm đều đứng nhất, nhì của huyện và xếp loại xuất sắc nhiều năm liền”.

Mộc Hóa là huyện mới chia tách từ năm 2013, lại thuần nông nên ngân sách còn nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Phan Thị Tuyết Sương thông tin: “UBND huyện xác định, thực hiện tốt công tác DS mới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Do đó, ngoài thực hiện Quyết định ban hành quy định về một số chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh, huyện luôn quan tâm, xem xét, hỗ trợ đầu tư công tác DS-KHHGĐ nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ được UBND tỉnh giao, nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện. Tổng kinh phí ngân sách UBND huyện, UBND các xã hỗ trợ bình quân mỗi năm khoảng 50 triệu đồng.

Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các xã tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, phù hợp từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, phối hợp UBMTTQ cùng các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng các mô hình truyền thông: “1 tăng - 3 giảm - 1 không” của UBMTTQ huyện; “3 không, 3 tích cực” của Liên đoàn Lao động huyện; phong trào “5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện,... nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn”.

Nhờ chính quyền địa phương tích cực quan tâm hoạt động truyền thông thay đổi hành vi nên tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Chị Nguyễn Thị Diễm, ngụ xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa chia sẻ: “Thông qua công tác tuyên truyền, vợ chồng tôi hiểu được lợi ích của việc sinh ít con và thực hiện KHHGĐ, dừng lại ở 2 con để vừa bảo đảm sức khỏe bản thân, vừa có điều kiện nuôi dạy con chu đáo”.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công và hiệu quả của các mô hình, đề án trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ là nhờ sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Đước - Lại Thị Kim Minh cho biết: “Các cấp hội tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân, nhất là các cặp vợ chồng trẻ trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề, có kinh tế khó khăn,... thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Các cấp hội còn chủ động phối hợp tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho hội viên; vận động hội viên “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”,...

Ngoài ra, các cấp hội còn duy trì và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, chi, tổ, nhóm “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Không có người sinh con thứ 3 trở lên”, “CSSKSS-KHHGĐ cho phụ nữ”, “Khám sức khỏe tiền hôn nhân”,... Các câu lạc bộ này tổ chức sinh hoạt với chủ đề CSSKSS, KHHGĐ, khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh,... Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, nhân dân trong CSSKSS/KHHGĐ”.

Tính từ ngày 01/11/2016 đến 30/6/2017 (8 tháng), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên toàn tỉnh giảm 0,26%, đạt 260% kế hoạch (giảm tương ứng 21 trẻ). Tính đến cuối tháng 6/2017, toàn tỉnh có 76 xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có 21 xã mới, 55/56 xã duy trì.

“Cánh tay đắc lực” của ngành

Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của chính quyền địa phương thì yếu tố quan trọng góp phần giúp công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả chính là đội ngũ CTV. Long An hiện có 3.500 CTV DS. Đây là lực lượng hỗ trợ người dân những kiến thức cần thiết về KHHGĐ, CSSKSS. Lợi thế của CTV là người sống tại địa phương, có mối quan hệ gắn bó, thậm chí có họ hàng với các đối tượng cần tuyên truyền nên dễ dàng tạo dựng niềm tin, giúp việc tuyên truyền được thuận lợi.

Chị Phan Thị Thu Sương - CTV ấp Hòa Thuận 2, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc chia sẻ: “Tôi quản lý 135 hộ với 110 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ấp Hòa Thuận 2 duy trì được trên 4 năm không có người sinh con thứ 3 trở lên. Để đạt kết quả trên, tôi và các CTV khác đều phải nỗ lực rất nhiều, phải tạo tâm lý thoải mái, lồng ghép tuyên truyền mỗi khi có cơ hội tiếp cận đối tượng. Tôi luôn gần gũi, tìm hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình, đặc biệt là chú trọng những cặp vợ chồng sinh con một bề, gia đình khá giả và nhóm phụ nữ nghèo, đông con, giúp họ dần từ bỏ suy nghĩ muốn có thêm con, chăm lo phát triển kinh tế”.

Hiện tại, dù chế độ hỗ trợ chưa cao, các CTV làm việc chủ yếu với tinh thần nhiệt tình, đặc biệt là các CTV ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Ông Trương Văn Nguyễn - CTV ấp Huỳnh Tịnh, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh cho biết: “Địa bàn tôi phụ trách có 269 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Địa bàn rộng nên việc tuyên truyền còn nhiều vất vả. Trình độ người dân chưa cao nên phải tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Thời gian đầu, việc vận động còn chưa thuận lợi vì nhiều người vẫn giữ quan niệm cũ, muốn sinh thêm con, nhất là những hộ có điều kiện kinh tế khá giả hoặc có con một bề. Sau này, nhờ thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” mà ý thức người dân tốt hơn rất nhiều. Họ chủ động thực hiện KHHGĐ bằng các biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe, điều kiện kinh tế của bản thân”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Long An - Trần Thị Liễu: “CTV DS là đội ngũ sâu sát nhất với địa bàn, là “cánh tay đắc lực” giúp ngành DS hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Nhằm đáp ứng yêu cầu công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới, việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ CTV DS là yêu cầu bức thiết hiện nay. Thời gian tới, mong rằng, đội ngũ CTV DS được chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cùng kỹ năng nghiệp vụ; đặc biệt là có chính sách hỗ trợ kịp thời để họ có động lực vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó cùng ngành DS”.

Nhờ sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác DS-KHHGĐ có những bước tiến rõ rệt, hiệu quả truyền thông được đẩy mạnh, nhận thức của người dân được nâng lên. Người dân được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ngày càng nhiều. Với những khó khăn hiện tại, công tác DS-KHHGĐ rất cần sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương và mạng lưới CTV nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, góp phần nâng cao chất lượng DS trên địa bàn tỉnh./.

"Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo thực hiện các mô hình, đề án, chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ vô cùng quan trọng, là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu DS-KHHGĐ. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Đó là, tỉnh duy trì mức sinh thay thế từ năm 2003 đến nay; phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên phát triển mạnh mẽ; các hoạt động nâng cao chất lượng DS được phổ biến rộng rãi; tỷ số giới tính khi sinh được kiểm soát.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ về sự khó khăn, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác DS đối với sự phát triển KT-XH. Để khắc phục tình trạng trên, ngành DS địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình DS-KHHGĐ hàng quí, 6 tháng và năm, đồng thời, tham mưu cấp ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc lãnh đạo thực hiện công tác DS-KHHGĐ; tổ chức sơ kết, tổng kết kiểm điểm việc thực hiện các nghị quyết, kế hoạch đã ban hành để có các giải pháp chấn chỉnh kịp thời những mặt hạn chế."

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Long An - Trần Thị Liễu nhận định.

Ngọc Mận-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết