Tiếng Việt | English

20/05/2017 - 05:09

Tuyển sinh đại học 2017: 83 trường tham gia nhóm xét tuyển phía Nam

Nhóm xét tuyển phía Nam có sự tham gia của hầu hết các đại học, học viện, trường đại học lớn từ Quảng Bình trở vào.

Đến thời điểm này, nhóm xét tuyển phía Nam do Đại học Quốc gia TP HCM và trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM chủ trì đã có 83 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng từ Quảng Bình trở vào xác nhận tham gia vào nhóm để lọc ảo. Thời gian đăng ký tham gia nhóm đã kết thúc và các trường thành viên đang họp bàn, xây dựng Quy chế xét tuyển chung.

Trường đại học kinh tế TP HCM- một trường lớn của khu vực phía Nam
Nhóm xét tuyển phía Nam có sự tham gia của hầu hết các đại học, học viện, trường đại học lớn từ Quảng Bình trở vào, như: Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Kinh tế TP HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Y Dược Huế, Đại học Ngân hàng TP HCM…

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM (một trong hai đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển phía Nam) cho biết, tham gia nhóm xét tuyển, ngoài việc các trường được quyền tải dữ liệu của riêng trường mình, khi các trường đã thống nhất, Bộ GD-ĐT sẽ gửi cho trường chủ trì chạy phần mềm lọc ảo cả gói dữ liệu của tất cả các trường thành viên trong nhóm. Phương án xét tuyển chung của nhóm chỉ là về mặt kỹ thuật, vẫn đảm bảo quyền tự chủ của các trường trong xét tuyển nhưng lại giúp các trường lọc được thí sinh ảo với các trường trong nhóm.

Ông Đỗ Văn Dũng nói: “Từng trường một sẽ chạy phần mềm xét tuyển riêng của trường để đưa ra điểm chuẩn và số gọi nhập học dự kiến. Sau đó, đưa lên hệ thống phần mềm của nhóm lọc ảo phía Nam và sau đó nhóm đưa trả kết quả về cho từng trường. Năm nay nhờ có phần mềm xét tuyển chung thì các trường sẽ biết rõ là còn lại thí sinh bao nhiêu và thí sinh đó ngoài định về trường mình thì còn về chỗ nào để điều chỉnh cho chính xác”.

Cùng với nhóm xét tuyển phía Nam, hiện nay các trường đại học ở phía Bắc cũng lập nhóm xét tuyển do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì. Việc lập nhóm xét tuyển chung để lọc thí sinh ảo đã được Bộ GD-ĐT khuyến khích vì cả nhà trường và thí sinh đều có lợi. Các trường đại học chia sẻ dữ liệu tuyển sinh với nhau để lọc thí sinh ảo hiệu quả hơn, nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh./.

Minh Hường/VOV - Trung tâm Tin 

Chia sẻ bài viết


tìm hiểu về ngành kế toán để theo học không chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp rộng mở mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững và thành công trong tương lai của bạn.