Các hộ gia đình được tuyên dương khen thưởng trong lễ tổng kết phong trào thi đua "Khu phố văn hóa tiết kiệm điện" năm 2015
Người dân ý thức hơn trong TKĐ sinh hoạt
Từ năm 2013 đến nay, chương trình "Ấp văn hóa, khu phố văn hóa TKĐ" là một trong những mô hình thu hút đông đảo người dân trong tỉnh hưởng ứng. Bà Nguyễn Thị Tám, ở khu phố Bình Yên Đông 2, phường 4, TP.Tân An cho biết: "Gia đình tôi có 4 người, vợ chồng tôi và 2 đứa con gái. Nhà tôi có đầy đủ các thiết bị điện như: Đèn chiếu sáng, máy giặt, máy lạnh, tủ lạnh, quạt máy, ti vi, bàn ủi,... Vài năm trước, tháng nào, gia đình tôi cũng phải trả gần 1 triệu đồng tiền điện. Nhưng từ khi áp dụng các giải pháp TKĐ đơn giản như: Tắt hết các thiết bị điện khi không sử dụng, máy lạnh chỉ dùng khi thật cần thiết, một lần ủi đồ mặc cả tuần lễ, ti vi cũng không để chế độ hẹn giờ,... giờ đây, chi phí tiền điện mỗi tháng của gia đình tôi chỉ còn hơn 600.000 đồng. So với cùng kỳ, lượng điện tiêu thụ giảm khoảng 24%".
Không chỉ thực hiện tại gia đình, bà Tám còn là thành viên tích cực trong việc tuyên truyền cho người dân trong khu phố nâng cao ý thức TKĐ trong sử dụng. “Bước đầu khi tôi thực hiện, chưa hiểu rõ về TKĐ là như thế nào, một số hộ dân còn nghĩ TKĐ là không xài điện. Nhưng qua vận động thì người ta thấy, TKĐ nghĩa là hạn chế lại, chỉ xài đúng những gì cần xài, như máy lạnh nên mở vào thời điểm nào, tủ lạnh thì hạn chế đóng, mở nhiều lần,... Hiện nay, mọi người nắm rõ quy trình vận hành cơ bản của các loại máy móc, thiết bị điện nên việc TKĐ ở đây rất hiệu quả" - bà Tám cho biết.
Trong tháng 6/2016, Điện lực Tân An phối hợp UBND phường Khánh Hậu tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua "Mô hình Gia đình TKĐ", "Tuyến phố TKĐ" được triển khai tại khu phố Quyết Thắng 2. Phong trào này đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động "Quy chế phối hợp giữa Công ty Điện lực Long An và các đoàn thể tỉnh trong công tác tuyên truyền TKĐ, giám sát sử dụng điện và cung ứng điện", khẳng định hiệu quả hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả trong điều kiện hữu hạn về năng lượng và bảo vệ môi trường hiện nay.
Tham gia phong trào lần này gồm các đoàn thể và 120 hộ dân tại khu phố Quyết Thắng 2. Trưởng khu phố Quyết Thắng 2 - Hà Văn Nên cho biết: “Trước ngày tổ chức lễ phát động khu phố TKĐ, tôi cùng các đoàn thể và tổ trưởng phổ biến cho người dân trong khu phố biết nội dung của chương trình, hướng dẫn cách thực hiện TKĐ qua "Cẩm nang TKĐ" của ngành điện. Ngoài ra, nhân viên ngành điện còn gặp gỡ từng khách hàng để giải thích, hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm và lợi ích TKĐ. Qua đó, nhiều hộ gia đình đăng ký tham gia thực hiện chương trình này”.
Hiện nay, hầu hết người dân trong khu phố Quyết Thắng 2 đều sử dụng bóng đèn compact thắp sáng thay cho các loại bóng đèn tiêu hao năng lượng như trước đây. Ý thức TKĐ trở thành thói quen, mọi người khi mua đồ điện cũng chọn những thiết bị ít tiêu hao điện năng, có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Với phương châm "Điện đi trước một bước" là mục tiêu xuyên suốt mà Đảng, Chính phủ đặt ra cho ngành Điện nhằm bảo đảm cung ứng điện cho việc phát triển đất nước. Để đạt mục tiêu này, TKĐ được xác định là giải pháp hàng đầu. "Đi trước" để giảm áp lực đầu tư lên lưới điện, để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tránh lãng phí nguồn tài nguyên, tránh gây ô nhiễm môi trường,... TKĐ vì thế là vấn đề cấp bách không chỉ với ngành điện mà với cả nền kinh tế chung của đất nước.
Những năm qua, Công ty Điện lực Long An không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh mà còn đi đầu trong việc thực hành TKĐ. Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đó là vấn đề hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Đây cũng là vấn đề chung của toàn cầu, nhiều quốc gia đang phải đối mặt. Chính vì vậy, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Thời gian tới, Công ty Điện lực Long An tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp, chương trình TKĐ trong toàn ngành. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động các cơ quan, đoàn thể và người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường thông qua việc thực hiện các chương trình như: Ấp/tuyến phố/khu dân cư TKĐ; TKĐ trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh,... trên địa bàn tỉnh.
Để công tác TKĐ đi vào chiều sâu, có hiệu quả thì sự nỗ lực của riêng ngành điện là chưa đủ mà rất cần sự vào cuộc, ủng hộ từ các cấp, các ngành và đặc biệt là từ phía người dân, doanh nghiệp trong việc áp dụng các giải pháp TKĐ./.
Song Hồng