Tiếng Việt | English

14/06/2021 - 10:35

Tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đạt khoảng 95%

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, chất thải rắn y tế phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay gần 5 tấn/ngày, được các bệnh viện, trung tâm y tế thu gom và chứa vào kho chứa riêng biệt, rồi xử lý.

Trong đó, chất thải rắn y tế có 2 loại là không nguy hại và nguy hại. Theo đó, không nguy hại được thu gom vào các thùng chứa và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý, chủ yếu là các công ty công trình đô thị ở địa phương. 

Còn chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom vào kho chứa riêng biệt và định kỳ đốt bỏ theo khối lượng phát sinh của từng bệnh viện. 

Hiện nay, tất cả bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện đều được lắp đặt lò đốt rác 2 cấp để xử lý chất thải y tế nguy hại.

Qua đánh giá, công tác thu gom và phân loại chất thải rắn y tế được các bệnh viện trong tỉnh thực hiện tương đối tốt. Hiện nay, tỷ lệ xử lý chất thải y tế nguy hại đạt khoảng 95%.

Tuy nhiên, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế từ các trạm y tế xã về các trung tâm y tế huyện để xử lý còn nhiều khó khăn về phương tiện, kinh phí nên khó đáp ứng được theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương, công tác thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn y tế vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác phân loại và lưu giữ chất thải tại nguồn.

Chất thải rắn y tế phát sinh ngày càng gia tăng, dự báo đến năm 2025 phát sinh khoảng gần 7 tấn/ngày, xuất phát từ một số nguyên nhân như gia tăng số lượng cơ sở y tế và tăng số giường bệnh, tăng cường sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế, dân số gia tăng, người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, qua thời gian vận hành, hiện nay một số lò đốt ở các trung tâm y tế huyện đã có dấu hiệu xuống cấp. Vì vậy, để xử lý chất thải rắn y tế đảm bảo, việc sử dụng công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải y tế cũng cần được khuyến khích và ưu tiên phát triển. 

Điển hình là công nghệ xử lý chất thải y tế bằng phương pháp không đốt như khử khuẩn bằng lò hấp, lò vi sóng đem lại hiệu quả về mặt kinh tế lẫn môi trường, do sử dụng ở nhiệt độ dưới 400 độ C nên không phát sinh khí thải đặc biệt như Dioxin/Furan và giảm tiêu thụ năng lượng./.

Đức

Chia sẻ bài viết