Tiếng Việt | English

08/07/2015 - 10:29

Vắc-xin sởi, rubella: Được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Cũng như các tỉnh, thành khác, hiện Long An đã đưa vắc-xin phối hợp ngừa sởi, rubella vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ (tiêm miễn phí thường xuyên). Đến thời điểm này, ngành y tế đã hoàn tất về công tác tập huấn cho cán bộ và chuẩn bị đầy đủ về vắc-xin, vật tư tiêm chủng.

Nên đưa trẻ đến cáccơ sở y tế để được tiêm ngừavắc-xin sởi và rubella miễn phí

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Long An - Bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng, cho biết: “Vắc-xin phối hợp này sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm giảm số ca mắc bệnh sởi và bệnh rubella, tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2017, sau đó là bệnh rubella. Theo đó, khi được 9 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm mũi sởi đơn, đến khi 18 tháng tuổi thì sẽ được tiêm mũi phối hợp sởi, rubella (thay cho mũi sởi đơn nhắc lại). Từ ngày 15-9-2014, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, rubella miễn phí lớn nhất từ trước đến nay cho hơn 23 triệu trẻ từ 1-14 tuổi. Trước đó, chỉ có vắc-xin sởi được tiêm miễn phí trong chương trình, còn vắc-xin rubella được tiêm theo hình thức dịch vụ. Riêng Long An, có trên 3.000 trẻ đã được tiêm vắc-xin sởi, rubella miễn phí trong chiến dịch này, đạt 98% (kế hoạch là trên 95%)”.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ từ 1 tuổi trở lên. Bệnh khởi phát trong 2 đến 3 ngày với các triệu chứng sốt đột ngột từ 38 độ C trở lên, mắt ướt, kèm nhèm, ho, chảy nước mũi, tiêu chảy,... Khi bệnh toàn phát sẽ sốt cao từ 38,5 đến 39 độ C, bệnh nhân nằm li bì, mệt mỏi, các ban sởi dày, mịn, xuất hiện đầu tiên ở sau tai, rồi lan ra mặt, cổ, thân mình, tứ chi trong vòng 1 đến 2 ngày. Bệnh sẽ giảm khi hết sốt, ban bay dần theo trình tự mọc và để lại vết thâm trên da.

Bệnh rubella và bệnh sởi có triệu chứng phát ban khá giống nhau. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của rubella thường nhẹ hơn, chỉ biểu hiện rõ khi bệnh toàn phát. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, khởi phát với các triệu chứng sốt nhẹ và có các dấu hiệu như mắt ướt, ho, chảy nước mũi,... (nhưng gần như không thấy). Khi bệnh toàn phát có các biểu hiện như mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước dãi và dễ nhận thấy nhất là nổi mẩn đỏ trên da giống như bệnh sởi. Trẻ ít khi nằm li bì, xung huyết mắt, da mặt, hạch to ở dọc hai bên cổ, không đau. Các nốt ban trên da đa dạng, chấm đỏ rải rác, mọc không có quy luật như bệnh sởi. Có thể gây đau khớp, khi bệnh giảm sẽ hết sốt, ban bay nhanh không theo quy luật, không để lại các dấu vết trên da, hạch trở về bình thường sau khoảng 1 tuần.

Rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh rubella ở trẻ thường nhẹ và ít biến chứng, tuy nhiên, bệnh đặc biệt nguy hiểm với những phụ nữ đang mang thai. Nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ thì trẻ được sinh ra thường bị dị tật (chiếm 90%), thể trạng kém và dễ mắc các bệnh như: Điếc, đục thủy tinh thể, tật mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh, tật đầu nhỏ, viêm não, màng não, chậm phát triển tâm thần, gan to, lách to,...

Tương tự bệnh rubella, bệnh sởi cũng có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhất là đối với trẻ có sức đề kháng kém, sinh non và bị suy dinh dưỡng. Biến chứng thường gặp ở bệnh sởi là do sự nhân lên của virus hoặc do bội nhiễm vi khuẩn gây ra các bệnh như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản và viêm não. Một số biến chứng nặng còn có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh sởi, rubella là bệnh nguy hiểm và chưa có thuốc đặc trị. Hiện 2 bệnh này đã được đưa vào chương trình tiêm chủng thường xuyên. Đây là biện pháp duy nhất để phòng bệnh. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên đưa con mình đến các điểm tiêm ở các địa phương để tiêm ngừa, nhằm chủ động phòng, chống bệnh sởi và rubella cho trẻ./.

Quang Nguyên 

Chia sẻ bài viết