Sau 3 ngày có mặt tại Thủ đô Paris, trong siêu thị Việt Thanh Bình Jeune, trái vải thiều của Việt Nam đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng Việt và cả bạn bè Pháp. Ngày 6/6, trái vải đã được giới thiệu, quảng bá tại Ngày Hội đoàn hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam tại thành phố Montreuil.
Lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam xuất sang Pháp được đóng gói trong các thùng các tông đúng như cách thức bảo quản các trái quả nhỏ và mềm ở thị trường Pháp. Để giảm giá thành vận chuyển cũng như đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường Pháp, quả vải được cắt tỉa cành sạch sẽ.
Ông Nguyễn Bình, phụ trách Foyer du Vietnam cho rằng: Người Pháp sẵn sàng chấp nhận trả giá cao nếu vải thiều có chất lượng tốt.
Đích thân chủ siêu thị Thanh Bình - ông Ngô Minh Đường cùng chuyên gia xông hơi lưu huỳnh vải của Pháp Michel Pierre về Việt Nam chọn vải và xử lý trước khi xuất đi. Và theo những đánh giá ban đầu, quả vải thiều của Việt Nam rất hấp dẫn về mặt hình thức, tròn, to và đẹp hơn hẳn so với một số loại vải khác nhập vào thị trường Pháp như Madagascar, Nam Phi và kể cả Thái Lan.
Ngay khi được bày bán, trái vải thiều Việt Nam đã nhận được phản hồi tích cực tại thị trường Pháp. Anh Huỳnh Lê Trung, phụ trách bán hàng tại siêu thị Thanh Bình Jeune cho biết: “Vải thiều về hôm 4/6, trong 2 ngày đầu tiên đã bán được hơn 100 kg. Bạn bè Pháp thì chưa phản ứng nhiều, nhưng siêu thị bán nhiều cho người Việt thì phản hồi rất là tốt. Tuy vải đầu mùa chưa được ngọt, chưa to lắm, đều đánh giá tích cực là vải thiều của mình ngon hơn ở Pháp”.
Đông đảo bà con người Việt, từ già tới trẻ, đều xúc động khi lần đầu tiên mua được trái vải quê hương tại Paris. Ông Nguyễn Thanh Tòng cho biết: “Tôi ăn trái vải rất cảm động lần đầu tiên ăn trái vải từ Việt Nam, ngọt, thơm nhiều nước. Chắc chắn là sẽ bán tốt vì vải rẻ, có thể cạnh tranh với vải Thái Lan, ăn thấy ngọt nhiều nước. Người Pháp rất thích vì ngọt mà dịu nên chắc chắn là phù hợp thị hiếu”.
Sinh viên Nguyễn Tiến Chung, đang học đại học năm thứ 3 tại Pháp, cho biết: “Em chờ đợi giây phút này từ rất lâu rồi. Các bạn Pháp của em ở trường rất thích vải nhưng thường không được ăn vải tươi nên đây là cơ hội để em giới thiệu với các bạn và hôm nay em mua nhiều để giới thiệu với các bạn. Vải của Việt Nam có thể hơi ngọt so với nhu cầu của người Pháp và người Pháp sợ béo nên ăn ít, không ăn được nhiều. Và vì thế, một lần ăn không nhiều thì giá thành cũng không quá cao so với các quả khác. Nên em tin là vải Việt Nam sẽ thành công ở Paris”.
Với người Pháp, vải không phải trái quả xa lạ nhưng vải của Việt Nam xuất sang mới chỉ ở dạng đóng hộp nên không được tươi ngon. Các sản phẩm vải khác có mặt tại thị trường Pháp trái bị lép, vỏ dày và nhiều gai, cùi bị đục, ít nước và dai, không được giòn, ngọt và nhiều nước như vải thiều của Việt Nam.
Một số người Pháp bày tỏ thích thú sau khi nếm trái vải tại gian trưng bày của Việt Nam ở thành phố Montreuil hôm 6/6.
Một số người Pháp bày tỏ thích thú sau khi nếm trái vải tại gian trưng bày của Việt Nam ở Ngày Hội đoàn hữu nghị và đoàn kết ở thành phố Montreuil hôm 6/6 chia sẻ: “Tôi thấy vải Việt Nam rất ngon và tươi. Tôi thích trái vải từ lâu nhưng lần đầu được ăn tươi và ngọt thế này. Cách các bạn nữ Việt Nam trong tà áo dài và nhiệt tình giới thiệu, quảng bá trái vải của các bạn cũng rất hấp dẫn. Nếu có thể bảo quản tốt và hạ giá thành chút thì tôi tin các bạn sẽ thành công vì vải ở các siêu thị của Pháp không tươi ngon lắm, đôi khi hơi bé, không ngọt và nhiều nước như trái vải của các bạn”.
“Tôi vô tình đi qua đây và thấy ngày hội Việt Nam ở đây. Tôi thích các sản phẩm nhiệt đới và muốn thử nhiều loại nên đã mua nhiều. Vải của các bạn có nhiều vị đặc trưng riêng nhiệt đới trong văn hóa Pháp, các sản phẩm nhiệt đới được yêu thích. Sản phẩm của các bạn rất ngon, hãy tiếp tục nhé!”
Về phản hồi của các khách hàng Pháp, cô Trang, đang theo học Thạc sỹ kinh tế tại Pháp, tham gia giới thiệu vải thiều tại quầy hàng của Việt Nam cho biết, sau khi mọi người ăn thử vải thiều thấy ngọt và nhiều nước, có nhiều khác biệt so với các loại vải khác trên thị trường, mọi người ngạc nhiên vì sao vải thiều Việt Nam không được bán ở đây từ lâu.
“Em đưa thêm thông tin giới thiệu Việt Nam chỉ có 1 mùa vải, 1 năm chỉ có 4 tuần duy nhất để ăn vải, trong khi vải Madagascar có trong cả năm. Mặc dù trái vải đã có ở thị trường này từ lâu nhưng dưới nhiều dạng, đóng hộp, thì không tươi ngon và nông dân không được hưởng lợi nhiều. Trong khi ở Việt Nam, nhiều quả vải bị bỏ phí vì được mùa, giá rẻ thì ở đây trái quả này lại rất hiếm và thực sự ngon. Đây là một tin vui cho người Việt và cả bạn bè Pháp có thêm một loạt quả mới”, Trang nói.
Hiện siêu thị Thanh Bình Jeune bày bán vải thiều với giá 10 euro/kg, tương đương khoảng 260.000 đồng/kg. Giá này cao hơn vải Madagascar thường dao động khoảng 5-6 euro/kg. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bình, phụ trách quán ăn “Ngôi nhà Việt Nam” (Foyer du Vietnam), người có kinh nghiệm về kinh doanh ẩm thực Việt Nam tại Pháp, thì người Pháp sẵn sàng chấp nhận trả giá cao nếu sản phẩm có chất lượng tốt.
“Người Pháp thích các trái quả ngọt và họ cũng thích quả vải từ lâu nhưng chưa được ăn trái vải thực sự tươi và ngọt như vải Việt Nam. Hiện giá có hơi cao nhưng người Pháp chấp nhận trả chi phí cao cho các sản phẩm chất lượng tốt. Nếu chúng ta xử lý và đưa được vải bằng đường biển thì giá sẽ rẻ nhiều, nhưng quan trọng là vấn đề bảo quản có được lâu hay không. Và cuối cùng phải đảm bảo chất lượng tốt”, ông Bình nói.
Vải thiều được quảng bá và bày bán ở Ngày Hội hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam.
Cũng theo nhà nhập khẩu Thanh Bình Jeune, quá trình thông quan với lô vải đầu tiên rất thuận lợi ngay trong buổi sáng sau khi tới sân bay Charles De Gaulle ngày 4/6, do quá trình xử lý đảm bảo tiêu chuẩn châu Âu. Yêu cầu duy nhất của phía Pháp là trái quả được xông hơi lưu huỳnh, loại bỏ sâu và trứng sâu.
Tuy nhiên, theo đánh giá khách quan của những người thường xuyên được ăn vải thiều Việt Nam do người nhà chuyển sang, lô vải đầu tiên không giữ được độ tươi, ngon, giòn và ngọt như vải thiều gốc của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là do vải được thu mua lúc chưa thực sự già quả, hay do quá trình xông hơi lưu huỳnh hay do khâu bảo quản chưa tốt khiến cùi vải bị đục và không được ngọt chỉ trong 3 ngày sau khi có mặt tại Pháp.
Nếu vải thiều muốn vượt qua quy mô bán tại siêu thị Việt hiện nay và vươn tới các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn của Pháp và kinh doanh hiệu quả, chúng ta phải trả lời được câu hỏi này để đảm bảo chất lượng tươi ngon cho trái vải./.
Thùy Vân/VOV - Paris