Giao tiếp, ứng xử văn hóa nơi công cộng được xem là một kỹ năng quan trọng đối với mỗi người. Việc ứng xử có văn hóa nơi công cộng chính là , nếp sống văn minh, đạo đức cần được mọi người coi trọng. Đây là một vấn đề lớn đặt ra trong xây dựng hình ảnh người Việt Nam văn minh, lịch sự, hiện đại.
Bây giờ, ra đường chúng ta gặp không ít những hành vi thiếu văn hóa, thậm chí những hành vi đó đã trở thành thói quen khó sửa của không ít người. Nhiều người vẫn biết, hút thuốc nơi cộng cộng là không được phép, không lịch sự, xả rác ra nơi công cộng là hành vi xấu,… nhưng vẫn làm; ở ngã tư, một số người vẫn cư xử thiếu văn hóa, vượt đèn đỏ, bấm còi xe inh ỏi; nói tục, chửi thề,…
Để xây dựng cộng đồng văn minh và ứng xử có văn hóa nơi công cộng trở thành một thói quen tốt, mỗi người cần phải tự nâng cao hơn nữa ý thức bản thân, sống có văn hóa, biết tôn trọng, trách nhiệm với bản thân mình và mọi người xung quanh. Song song đó, ngoài việc làm gương thì cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo cần phải giáo dục, hướng dẫn cách ứng xử phù hợp để các bạn trẻ có thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và tham gia tích cực vào thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng.
Có thể thấy rằng: Ý thức, lương tâm, tinh thần trách nhiệm là 3 yếu tố hàng đầu trong việc thực hiện nếp sống ứng xử có văn hóa nơi công cộng, xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng là không thể chờ đợi, chính nâng cao ý thức văn hóa của mỗi người là một giải pháp, động lực để phát huy tính nhân văn, tính tích cực của công dân, qua đó tạo cơ sở tăng hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội.
Ứng xử văn hóa nơi công cộng là việc làm không khó. Chỉ cần có hành vi đúng mực, đúng chuẩn là đủ. Mong rằng, mỗi người hãy tự ý thức được hành vi của mình nơi công cộng để chung tay xây dựng hình ảnh con người, đất nước Việt Nam văn minh, lịch thiệp./.
Nguyễn Chí Thanh