Tiếng Việt | English

02/12/2016 - 19:06

Văn nghệ học đường góp phần gieo mầm nghệ thuật

Những tiết học Âm nhạc, những buổi sinh hoạt văn nghệ trong trường học tưởng chừng chỉ mang tính chất giải trí nhưng lại có nhiều ý nghĩa thiết thực. Việc đưa âm nhạc vào chương trình học và chú trọng phát triển phong trào văn nghệ học đường nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện, rèn luyện kỹ năng,...


Phong trào văn nghệ học đường vừa là sân chơi lành mạnh, vừa rèn thêm cho học sinh nhiều kỹ năng như tự tin, mạnh dạn,...

Thú vị những tiết học âm nhạc

Hàng tuần, Phan Thị Kiều Mỵ - học sinh lớp 6A1, Trường THCS và THPT Mỹ Quý (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đều chờ đến tiết học Âm nhạc. Bởi với Mỵ và các bạn cùng lớp, đây là tiết học nhẹ nhàng, vui tươi nhưng không kém phần bổ ích. Qua tiết học, học sinh không chỉ được rèn giọng mà còn biết thêm về kiến thức âm nhạc. Dù là ngôi trường ở vùng biên giới, chưa có phòng học dành riêng cho môn Âm nhạc và dụng cụ học tập còn thiếu (chỉ có duy nhất 1 đàn organ phím điện tử) nhưng Trường THCS và THPT Mỹ Quý rất chú trọng công tác giảng dạy môn Âm nhạc.

Thầy Thi Công Luận - giáo viên dạy Âm nhạc của trường cho biết, mỗi tuần, học sinh khối THCS học 1 tiết Âm nhạc. Nội dung học chủ yếu là học hát, tập đọc nhạc, nhạc lý và âm nhạc thường thức. Tiết học này trang bị thêm nhiều kiến thức về âm nhạc cho các em. Tuy nhiên, theo thầy, học sinh chỉ tiếp cận âm nhạc dân tộc qua hình ảnh trên sách giáo khoa nên chưa “cảm” hết cái hay của loại hình này. Để tạo hứng thú cho học sinh, tôi tìm trên Internet âm sắc của từng loại nhạc cụ này và dùng bản tương tác trong quá trình dạy để các em nghe âm thanh thực. Hơn nữa, ngoài những bài hát trong sách, tôi tìm thêm nhiều bài hát khác để dạy”.


Giáo viên hướng dẫn học sinh hát, múa trong tiết học Âm nhạc

"Tham gia sinh hoạt trong nhóm văn nghệ không chỉ giúp các em vui chơi, giải trí sau những giờ học căng thẳng, mà còn giúp các em tự tin, bản lĩnh, giao tiếp, thuyết trình, hoạt động nhóm tốt hơn..."

Phó Bí thư Đoàn trường THPT Hậu Nghĩa - Nguyễn Trà Mi

Tại Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú (TP.Tân An), học sinh học Âm nhạc 1 tiết/tuần tại phòng dành riêng cho môn Âm nhạc. Phòng được trang bị phách, đàn guitar, đàn organ giúp học sinh thuận lợi trong việc học. Âm nhạc cũng như những môn học chính đều được nhà trường quan tâm. Tùy theo nội dung, yêu cầu của từng khối lớp, học sinh được dạy hát đúng giai điệu; đúng cao độ, nhịp; thuộc lời bài hát; đọc nốt nhạc. Ngoài ra, âm nhạc còn được lồng ghép với Toán, Tiếng Việt,... để các em hứng thú hơn trong học tập và tiết học cũng bớt căng thẳng.

Cô Lê Thị Hạnh - giáo viên Âm nhạc Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú chia sẻ, khác với các môn học khác, môn Âm nhạc không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp học sinh giải trí, giảm căng thẳng sau những giờ học. Do đó, học sinh rất thích thú khi tham gia tiết học này. Qua học nhạc, giáo viên có thể phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, khuyến khích các em tham gia vào đội văn nghệ của trường để phát huy tài năng.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú - Nguyễn Thành Lương cho biết: “Trường không chú trọng hay xem nhẹ mà dạy đều các môn học nhằm phát triển toàn diện cho học sinh. Với môn Âm nhạc, trường tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh phát huy khả năng. Trường còn phối hợp Trường THCS Hướng Thọ Phú phát triển đội kèn Tây để các em có thêm trải nghiệm về âm nhạc”.

Được ví von là tiết “vừa học, vừa chơi” nhưng những giờ học Âm nhạc mang đến nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực cho học sinh.


Phong trào văn nghệ học đường vừa là sân chơi lành mạnh, vừa rèn thêm cho học sinh nhiều kỹ năng như tự tin, mạnh dạn,...

"Môn Âm nhạc không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp học sinh giải trí, giảm căng thẳng sau các giờ học. Do đó, học sinh rất thích thú khi tham gia tiết học này."

Lê Thị Hạnh - giáo viên Âm nhạc Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú (TP.Tân An)

Rèn kỹ năng từ phong trào văn nghệ

Ban đầu, nhóm văn nghệ Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa) có 10 thành viên, đến nay, phát triển hơn 60 thành viên. Hàng tuần, các em sinh hoạt tự do theo nhóm nhỏ như đàn, thổi sáo, hát, múa,... Khi trường diễn ra sự kiện lớn, các thành viên tập trung chuẩn bị kế hoạch, xây dựng kịch bản đồng diễn để cùng tập luyện.

“Hàng năm, nhóm văn nghệ Trường THPT Hậu Nghĩa tham gia 5 hoạt động lớn, gồm tìm kiếm tài năng, mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Ngày Học sinh - Sinh viên 9-1, Tết Nguyên đán và hoạt động hè. Để các em tham gia văn nghệ, rèn kỹ năng, trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất tập luyện, đồng thời khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng các thành viên có thành tích tốt trong phong trào văn nghệ. Ban Chấp hành Đoàn trường linh hoạt trong quản lý để giúp các em sinh hoạt văn nghệ nhưng vẫn hứng thú thi đua, phấn đấu học tập” - Phó Bí thư Đoàn trường THPT Hậu Nghĩa - Nguyễn Trà Mi cho biết.

Không chỉ tham gia hoạt động của trường, các thành viên còn tham gia phong trào do Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Nhà Thiếu nhi huyện tổ chức. Những hoạt động này giúp các em có dịp cọ xát, thử sức và thể hiện mình ở các sân khấu khác ngoài trường học. Cũng theo cô Trà Mi, đến nay, nhiều thành viên có thể tự dựng tiết mục múa, tiểu phẩm và đoạt nhiều giải thưởng trong các hội thi. Không còn nhút nhát, sợ đứng trước đám đông, em Trần Thị Như Quỳnh, lớp 11A6, Trường THPT Hậu Nghĩa tự tin hơn khi tham gia nhóm văn nghệ của trường. Như Quỳnh có giọng hát đặc biệt, được phát hiện trong cuộc thi tìm kiếm tài năng của trường nhưng theo lời Quỳnh tâm sự, lúc ấy em còn rụt rè, chưa mạnh dạn biểu diễn. Sau 2 năm tham gia nhóm văn nghệ, em tự tin hơn.

Không những tự tin, khi tham gia vào nhóm văn nghệ học đường, các em còn phát huy tính sáng tạo và kỹ năng giao tiếp. Em Nguyễn Nhật Băng, lớp 12A2, Trường THPT Hậu Nghĩa chia sẻ: “Là chủ nhiệm Câu lạc bộ “Sức sống trẻ”, em thường dàn dựng tiết mục múa cho các bạn luyện tập, biểu diễn. Từ đó, em cảm thấy mình phải luôn đổi mới tư duy và sáng tạo. Hơn nữa, nhóm văn nghệ rất đông thành viên, mỗi người mỗi tính nên khi tập luyện, sinh hoạt, em được giao tiếp, rút ra những ưu, khuyết điểm của các bạn để phát huy và khắc phục,...”.

Khác với Trường THPT Hậu Nghĩa, Trường THCS và THPT Mỹ Quý chưa thành lập nhóm, câu lạc bộ văn nghệ nhưng phong trào văn nghệ của trường cũng rất sôi nổi. Phong trào văn nghệ được tổ chức thường xuyên và theo sự kiện với lực lượng tham gia là những học sinh giàu đam mê, có năng khiếu được phát hiện từ các tiết học Âm nhạc với số lượng khoảng 40 em. Hàng tháng, các em tập hợp một lần vào những ngày học 3 tiết để sinh hoạt, tập luyện.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Mỹ Quý - Phạm Văn Hưng, trường quan tâm đến phong trào văn nghệ, bởi qua đây giúp các em vui chơi, giải trí và hứng thú hơn trong học tập. Đồng thời, sinh hoạt văn nghệ rèn cho các em tính tự tin, mạnh dạn, hòa đồng, biết chia sẻ và làm việc tập thể. Hiện tại, vào tiết sinh hoạt dưới cờ, mỗi lớp chuẩn bị tối đa 2 tiết mục để thi hát dân ca. Qua đây, tạo sân chơi văn hóa lành mạnh và giáo dục tình yêu những làn điệu dân ca đối với các em. Ngoài ra, trong giờ giải lao buổi sáng và buổi chiều, các em chơi trò chơi dân gian để rèn luyện sức khỏe.

Những tiết học Âm nhạc là nơi phát hiện tài năng hát, múa cho các đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ trong học đường. Tham gia sinh hoạt văn nghệ trong trường học giúp học sinh rèn luyện kỹ năng để học tốt môn Âm nhạc. Tiết học Âm nhạc và phong trào văn nghệ học đường bổ sung cho nhau để học sinh phát triển toàn diện, rèn luyện nhiều kỹ năng bổ ích./.

Thuỳ Hương - Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết