Di tích lịch sử Nhà lưu niệm và tượng đài nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu là “địa chỉ đỏ” nổi bật, đón đông đảo khách viếng thăm
Di tích lịch sử Nhà lưu niệm và tượng đài nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu nép mình bên Quốc lộ 55, thuộc thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đó là nơi lưu niệm, ghi nhớ về những chiến công, tinh thần bất khuất của người nữ anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu.
Mái nhà chị sống những ngày thơ ấu được trùng tu theo nguyên mẫu và hiện là nhà lưu niệm. Dưới mái nhà đậm nét kiến trúc của làng quê Nam bộ với vách ván, mái ngói âm dương, chị Sáu cùng gia đình đã trải qua những ngày ấu thơ tuy vất vả nhưng ấm áp.
Cha chị làm nghề đánh xe ngựa, mẹ chị bán bì bún chả giò tại chợ Đất Đỏ. Mỗi ngày, chị Sáu dậy sớm cho ngựa ăn và cùng mẹ gánh hàng ra chợ. Tuy nhiên, những ngày êm ấm kéo dài không được bao lâu.
Năm 1946 (chị Sáu tròn 13 tuổi), thực dân Pháp trở lại chiếm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có quận Đất Đỏ. Ngày ngày chứng kiến bọn địch nghênh ngang hà hiếp người dân, tinh thần yêu nước, căm thù giặc lớn dần trong lòng chị.
14 tuổi, chị tham gia đội Công an xung phong quận Đất Đỏ lúc bấy giờ, làm nhiệm vụ trinh sát. Năm 1948, chị tham gia giải tán thành công cuộc mít-tinh kỷ niệm Quốc khánh nước Pháp tại chợ Đất Đỏ. Cũng từ đó, chị rơi vào tầm ngắm của kẻ thù.
Tết năm 1950, trong dòng người nô nức đi chợ tết, chị Sáu ném lựu đạn tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên lính. Do trái lựu đạn thứ 2 bị lép, chị bị địch bắt. Trong suốt 2 năm, chị bị chuyển qua nhiều nhà lao khác nhau, nếm trải mọi đòn tra tấn dã man của địch nhưng chúng không khai thác được gì từ chị - người con gái Đất Đỏ kiên trung.
Đầu năm 1952, bọn địch hèn hạ đã xử tử chị tại nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Trước lúc hy sinh, chị yêu cầu không bịt mắt và hát vang bài hát Tiến quân ca.
Chị Sáu ngã xuống nhưng tinh thần Võ Thị Sáu thì sống mãi trong lòng đồng đội, người dân. Có chuyện kể rằng, địch nhiều lần đập vỡ bia mộ chị, tuy nhiên, tấm bia này bị đập thì ngay hôm sau có tấm bia khác thế vào. Bia bằng tôn, xi măng, gỗ và cả bằng cẩm thạch cứ thay phiên nhau “mọc” lên, thể hiện tấm lòng của tù nhân và dân đảo với người con gái vùng Đất Đỏ.
Ngày nay, nhà lưu niệm Võ Thị Sáu được giữ gần như nguyên vẹn cách bày trí với bàn thờ gia tiên đặt giữa phòng ngoài, bộ ván gỗ kê sát vách. Phòng trong nối với phòng ngoài bằng hành lang nhỏ, là nơi nghỉ ngơi của gia đình.
Trong nhà, những hình ảnh, vật dụng liên quan đến chị Sáu được trưng bày khá đầy đủ để khách tham quan tìm hiểu. Bên cạnh đó là nhiều quần áo, gương, lược treo trong tủ như một cách thế hệ sau thể hiện tấm lòng tưởng nhớ đến chị. Quanh nhà lưu niệm có trồng nhiều cây lê ki ma - loài hoa gắn liền với người nữ anh hùng vùng Đất Đỏ.
Cách nhà lưu niệm khoảng 100m là công viên và đền thờ Võ Thị Sáu. Tại công viên, bức tượng chị Sáu được đúc bằng đồng cao khoảng 7m tạo theo thế chị Sáu ung dung ra pháp trường. Tà áo chị bay bay, tóc vẫn cài đóa hoa hái vội như thể chị đang đi trên con đường đất đỏ quê mình. Hình ảnh ấy khiến du khách không khỏi bùi ngùi.
Đến thăm khu di tích trong dịp tháng 3, chị Huỳnh Kim Huỳnh (TP.HCM) cho biết: “Được đến thăm khu di tích Nhà lưu niệm, công viên, đền thờ Võ Thị Sáu, tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Những thông tin, hình ảnh, hiện vật được giữ gìn cẩn thận, sẽ là nơi giáo dục truyền thống thật ý nghĩa cho thế hệ trẻ”.
Di tích lịch sử Nhà lưu niệm và tượng đài nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu là điểm đến giáo dục truyền thống thu hút đông đảo du khách đến thăm, đặc biệt là trong dịp tháng 3, tháng 4 hàng năm.
Chị Sáu đã hy sinh nhưng khí tiết anh hùng của người con vùng Đất Đỏ vẫn sống mãi trong lòng thế hệ sau./.
Quế Lâm