Ở Việt Nam, cá thòi lòi được thấy nhiều ở vùng bùn đất ngập mặn như Cần Giờ, Nhơn Trạch, Gò Công, Bạc Liêu, Cà Mau...
Với dân phố thị, thòi lòi còn quá xa lạ và mới nhìn thấy hơi... ớn, bởi hai con mắt nó lồi gần hẳn ra ngoài như chiếc đèn xe hơi đời cũ. Nhưng cũng chính nhờ vậy, nó có khả năng quan sát tứ bề.
Ngay cả khi lội thong thả dưới nước, thòi lòi luôn ngóc đầu lên và thường xuyên đảo mắt quan sát, nghe động là lủi trốn mất dạng.
Cá thòi lòi có khả năng lặn lâu, phóng như bay trên mặt nước và leo trèo giỏi
Dựa vào môi trường sống, cá thòi lòi được chia thành hai loại: ở biển và ở sông, rạch. Cá thòi lòi biển to gần bằng cổ tay người lớn, thịt cá thòi lòi là món ngon đến độ “quên sầu”. Đặc biệt, giống thòi lòi biển rất hung dữ.
Nếu được nhốt chung, chúng sẽ cắn lộn nhau đến tơi tả. Do vậy, những chủ vựa phải may miệng hoặc làm mù mắt để giúp chúng giữ nguyên hình dáng ban đầu. Một số người dân vùng Nhơn Trạch, Đồng Nai gọi thòi lòi biển bằng một tên dễ mến khác là bống thùng.
Thòi lòi chuyên săn những loài nhỏ bé hơn như còng, nha, tôm, tép hoặc các loại cá… để làm thức ăn. Những con trưởng thành thường chọn nơi hiểm hóc để đào hang có độ sâu từ 1,5-2m.
Cá thòi lòi xuất hiện nhiều khi triều xuống. Trong dân gian, người ta bắt cá thòi lòi bằng ba cách: dùng tay, dùng cần trúc hoặc chế xà di. Sử dụng cần trúc làm cần câu, người ta phải bắt thêm trùn làm mồi, lấy cọng lá dừa xỏ thành khoanh tròn, cột vào dây câu.
Chuẩn bị thêm cái thau lớn, có rắc tro hoặc cám khô sẵn gần đó. Khi bãi bùn lộ ra, thòi lòi chạy nhảy khắp nơi. Người bắt chỉ cần nhử cho cá cắn vào mồi, nhè nhẹ giật lên và khéo léo làm sao cho cá rơi vào thau cám để sẵn.
Cá có hình dạng khá xấu xí
Cách bắt cá thòi lòi hiệu quả và thông dụng nhất là đặt xà di. Người thông thạo dùng chừng chục miếng lá dừa nước thắt thành hình cái phễu với một đầu túm kín.
Khi nước vừa rút, miệng hang thòi lòi lộ ra. Không cần mất nhiều công, họ chỉ việc đặt cái xà di vào và cứ thế, cá tự chui vào mà không thể quay đầu lại. Công việc còn lại là lật ngược xà di, đổ cá ra giỏ là xong.
Thịt cá thòi lòi dai, thơm và ngọt, có thể chế biến thành những món như nướng, kho tiêu, nấu canh chua,… ăn ngon không thua gì cá lóc, cá rô đồng.
Đơn giản và chế biến nhanh nhất là món cá thòi lòi xiên que tre, nướng trên lửa than ủ đượm hồng. Cá thòi lòi đem về rửa sạch bùn rồi ướp muối ớt, lấy thanh trúc tươi xiên dọc con cá rồi gác lên bếp than hồng, trở đều tay. Bị đốt nóng, nước từ nhánh trúc tươi chảy ra thấm vào thịt cá nên giúp món ăn ngọt hơn. Chỉ một loáng là mùi thơm của cá lan tỏa trong không gian khiến ai cũng thấy thòm thèm.
Vốn là loại hiếu động nên thịt cá thòi lòi rất ít mỡ
Người sành ăn thường chọn cách ăn cá nướng với muối ớt hoặc nước mắm ngon. Có người lại thích phết lên da cá một ít mỡ nước hay dầu ăn trước khi nướng. Một điều lạ nữa là thịt loài cá này khi để nguội không tanh như một số cá khác. Thế nên nếu có thời gian, bạn cứ từ từ nhấm nháp, thưởng thức để “nghiện” lúc nào không biết.
Vì thuộc họ cá bống nên món cá thòi lòi được nhiều người thích vẫn là cá thòi lòi kho tiêu. Người biết nấu thường kết hợp cá với một ít tương, gừng xắt lát, một ít dầu ăn hay vài lát thịt heo ba rọi trong lúc ướp. Hâm đến lửa thứ hai, ba thì tinh dầu gừng, men của tương và chất béo của dầu (mỡ) cùng thấm đều vào từng thớ cá, khiến cá ửng màu hổ phách. Cắn miếng cá, thực khách phải ngỡ ngàng bởi độ ngọt, bùi, thơm cứ tranh nhau quyến rũ, nấn ná. Món này ăn với cơm nóng hổi hay bỏ vào ăn với cháo trắng thì ngon không gì bằng.
Cá thòi lòi kho tiêu
Canh chua cá thòi lòi cũng hấp dẫn không kém. Chất tạo chua nâng thêm vị ngon là me non, khế hoặc trái giác (một loại dây leo dại mọc ở những vùng nước lợ). Người nấu vẫn không quên món rau “chủ lực” là lõi cây chuối hay chuối hột. Gắp một miếng thịt cá thòi lòi chắc nịch từ tô canh chua bốc khói, chấm nhẹ qua một góc chén muối ớt hay nước mắm dầm ớt hiểm là đủ để “nuông chiều” vị giác.
Sau mỗi lần người phụ nữ vượt cạn, người chồng ở miền sông nước thường kiếm cá thòi lòi về nấu để vợ mình mau lại sức bởi thịt cá ngon, nhiều nạc lại lành tính. Nhìn hình dáng cá thòi lòi bên ngoài chẳng ai ưa được, nhưng đây lại là món ăn thơm ngon khi qua bàn tay chế biến của người dân xứ miệt vườn. Cá thòi lòi là nguồn thực phẩm góp phần làm phong phú thêm bữa cơm hằng ngày của người dân nơi đây và là món ăn đặc sản cho những người phương xa khi đến với mảnh đất này./.
Theo dantri.vn