Tiếng Việt | English

07/02/2017 - 14:38

Về xứ dừa ăn bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai được rất nhiều người biết đến với vị ngọt ngọt của đường, bùi bùi của đậu xanh, thanh thanh của lá gai, dẻo dai của nếp,... tất cả hòa quyện tạo thành một hương vị rất độc đáo.

Không biết tự bao giờ, mỗi khi nhắc đến món ngon xứ lạ miền Trung, người ta lại nghĩ ngay đến bánh ít lá gai. Đây vốn là loại bánh đặc sản của vùng đất võ, trời văn Bình Định gắn liền với câu ca dao xưa: “Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”.

Ngày nay, vượt qua những giới hạn về không gian và địa lý, bánh ít lá gai hầu như có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Tại xứ dừa Bến Tre, loại bánh này rất được ưa chuộng bởi hương vị khác lạ và đặc trưng riêng. Về Bến Tre, đi dọc theo Đường tỉnh 883, qua cầu An Hóa sẽ dễ dàng tìm thấy các lò bánh ít lá gai như: Út Hiệp, Chín Hiệp, Bà Ba, Ngọc Nga,...


Bánh ít lá gai vốn là loại bánh đặc sản của vùng đất võ, trời văn Bình Định

Đặc sản của miền Trung được du nhập vào Bến Tre qua con đường lập nghiệp, kể cả những người có quê hương thứ hai tại đây. Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga - chủ lò bánh tại xã Giao Hòa chia sẻ: “Cách làm bánh ít lá gai không khó nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, khéo léo qua từng công đoạn. Để có những mẻ bánh ngon, cần phải có 5 loại nguyên liệu: Lá gai, gạo nếp, đường, đậu hoặc dừa, lá chuối”.

Với lá gai, người ta thường chọn những lá tươi có màu xanh đậm, không quá già cũng không quá non để bánh có màu đẹp và hương vị đặc trưng. Gạo nếp dùng làm bánh phải là loại nếp thơm, dẻo được ngâm mềm, vo nhiều lần cho thật sạch rồi xay nhuyễn cùng với lá gai và một ít muối trắng. Sau khi xay xong, đổ hỗn hợp bột với lá gai vào túi vải rồi đem đăng cho bột ráo nước. Khi bột vừa ráo, lấy ra nhào nhiều lần cho thật dẻo rồi chia thành từng viên vừa đủ làm một cái bánh.

Tiếp đến là công đoạn làm nhân bánh. Bánh ít lá gai thường có nhân dừa, nhân đậu xanh hoặc kết hợp cả hai. Trong đó, bánh nhân dừa thường được ưa chuộng hơn cả. Cơm dừa nạo thành sợi xào chung với đường cho đến độ chín tới mới trộn tiếp đậu xanh nấu chín vào. Dùng đũa đảo đều tay cho đến khi nhân có màu vàng sẫm, dẻo quánh lại, mùi thơm bốc lên ngào ngạt là vừa. Sau đó, nắn nhân bánh thành những viên hình tròn.

Lá chuối tươi phơi sơ qua nắng cho dịu và mềm hơn. Sau khi chuẩn bị xong tất cả nguyên liệu thì tiến hành gói bánh. Tùy theo kích cỡ bánh to hay nhỏ mà lấy bột vừa đủ. Nắn bột thật mỏng, cho nhân bánh vào giữa bao kín lại rồi vo thành hình tròn hoặc dẹt, thoa dầu ăn (dầu phộng) đều lên bột và lá để bánh không bị dính. Sau đó, gói bánh theo kiểu bẻ gập một đầu hoặc hình tháp vuông và đem hấp cách thủy.

Khi bánh chín thì vớt ra để nguội, đập nước đọng lại ở lá cho ráo bánh. Bánh ít nhâm nhi cùng tách trà nóng thì không còn gì tuyệt bằng!


Bánh ít lá gai xứ dừa được ưa chuộng bởi hương vị khác lạ và đặc trưng riêng

“Bánh ít lá gai ngon là bánh dẻo, mềm, vỏ bánh mịn, nhân có vị vừa đủ ngọt của đường, vị thơm dịu của nếp, vị béo của dầu phộng và vị bùi của đậu xanh. Đặc biệt là khi bóc vỏ bánh ra sẽ không bị dính. Bánh này để vài ngày vẫn ngon nên được nhiều người chọn làm quà biếu người thân, bạn bè phương xa” - chị Nga cho biết thêm.

Bánh ít lá gai thường xuất hiện trong mâm cỗ ngày tết, trong lễ giỗ ông bà. Tuy dân dã nhưng bánh ít lá gai luôn thấm đượm nghĩa tình, ngọt ngào, thanh đạm như chính tình cảm của con cháu đối với tổ tiên, “bánh ít... nhưng tình nhiều”./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích