Ảnh: Internet
Tham gia mục Hoa học trò lần này, mình muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện của lớp chúng mình. Lớp chúng mình có 47 bạn với 47 hoàn cảnh và sức học khác nhau. Những ngày đầu bỡ ngỡ bước chân vào lớp 10, ai cũng rụt rè, nhút nhát. Chúng mình từ những ngôi trường cấp 2 khác nhau, vượt qua kỳ thi tuyển sinh để vào chung một lớp. Mình được xếp ngồi cạnh M. - cô bạn với vẻ ngoài hiền lành và sức học cực “đỉnh”. Nhà M. ở một huyện giáp ranh thành phố nơi chúng tôi học. Mỗi ngày, cô bạn phải đạp xe hơn chục kilômét để đến trường. Trong khi một số bạn khác đăng ký ở lại ký túc xá thì M. vẫn ngày ngày đi, về trên chiếc xe đạp cũ. Có hôm xe hư, bạn đến lớp trễ, mồ hôi nhễ nhại. M. học rất giỏi, giờ nghỉ trưa hay những lúc rảnh rỗi bạn đều đọc sách, từ những quyển sách nâng cao đến sách dạy về kỹ năng sống. Có một điều thú vị là mặc dù thành tích luôn đứng nhất lớp nhưng M. chưa từng đến các lớp học thêm. Thỉnh thoảng, M. vẫn mượn tập học thêm Hóa học của tôi để xem và học cách giải những bài tập nâng cao. Vì biết bạn rất thích học Hóa nên nhiều lần tôi rủ M. đi học thêm nhưng bạn ấy đều lắc đầu. Từ 2 người xa lạ, dần dần chúng tôi quen và thân
với nhau. Tôi thường kể cho M. nghe về gia đình nhưng cô bạn rất ít khi chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Có lẽ gia đình M. khó khăn. Tôi nghĩ vậy bởi M. sống khá tiết kiệm. Sau mỗi giờ học thể dục, chúng tôi thường rủ nhau đi uống trà sữa, ăn vặt nhưng rất ít khi M. tham gia. Tôi thường thấy M. mượn sách tham khảo của thư viện hoặc mượn của các bạn trong lớp chứ không mua sách. Ngay cả quần áo, giày dép của bạn ấy cũng chỉ có vài chiếc. Dịp tết vừa rồi, khi được mạnh thường quân tặng quà, M. khéo léo từ chối và muốn nhường lại phần quà đó
cho bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn. Thật tình, chơi thân với bạn hơn 1 học kỳ nhưng tôi chưa bao giờ nghe M. kể về hoàn cảnh của gia đình mình.
Tháng vừa rồi, M. nghỉ học hơn 1 tuần. Cô chủ nhiệm cho biết M. đưa mẹ đi phẫu thuật tại TP.HCM. Tôi là người đảm nhận việc chép bài giùm bạn và hướng dẫn lại những bài đã học. Sau đó, lớp tôi có cuộc họp lớp mà không cho M. biết. Cô chủ nhiệm tiết lộ hoàn cảnh gia đình M. rất khó khăn. Cha bạn ấy mất cách đây mấy năm, mẹ bị bệnh nan y không thể lao động nặng. M. còn em trai đang học lớp 6. Hiện cả gia đình bạn sống nhờ vào tiền cho thuê ruộng mỗi tháng chưa đến 3 triệu đồng. Số tiền đó không đủ lo thuốc thang cho mẹ nên để trang trải cuộc sống và lo cho em trai, ngoài giờ đi học, M. nhận làm thêm cho một cửa hàng bán vật tư nông nghiệp gần nhà. Hoàn cảnh như thế nhưng M. lại không muốn nhận sự giúp đỡ từ người khác nên thời gian qua bạn ấy đã rất vất vả khi vừa đi học, vừa đi làm lại quán xuyến việc nhà.
Nhiều kế hoạch giúp đỡ M. được chúng tôi đưa ra nhưng điều trở ngại nhất là để thuyết phục M. nhận sự giúp đỡ đó, bởi bạn ấy không muốn ai biết hoàn cảnh gia đình mình và không muốn nhận sự hỗ trợ từ người khác. Gia đình bạn An sau khi biết hoàn cảnh của M. đã ủng hộ số tiền kha khá, thêm phần học bổng của mạnh thường quân cộng với số tiền chúng tôi quyên góp để ủng hộ M. và để trao số tiền này cho gia đình bạn, chúng tôi đã thực hiện một kế hoạch “hoàn hảo”. Chiều hôm đó, khi M. còn đang phụ việc tại cửa hàng vật tư nông nghiệp, chúng tôi đã đến nhà bạn ấy trang trí, thổi bong bóng và chuẩn bị chiếc bánh kem mừng sinh nhật M. Trước món quà bất ngờ mà cả lớp dành cho mình, M. xúc động, lúc này cô chủ nhiệm mới đứng ra trao lại số tiền đã vận động và mong M. mở lòng để nhận sự hỗ trợ của mọi người, đừng sống quá khép kín bởi đây là tấm lòng của cả lớp và mạnh thường quân mong muốn giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Buổi sinh nhật hôm đó không chỉ có tiếng cười mà còn có cả những giọt nước mắt. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của M. và của cả chúng tôi nữa. Chúng mình là một tập thể nên chúng mình phải san sẻ cho nhau và vì bên bạn luôn có chúng mình./.
Nguyễn Vũ Hoài My