Vài nét về người Việt cổ
Nhà nước Văn Lang do các Hùng Vương cai quản là nhà nước đầu tiên của người Việt. Theo các tài liệu, “Văn” là người, nhóm người, tộc người, cộng đồng người,... Còn “Lang” là sông. Ghép lại, Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông.
Bánh chưng là loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời, thường được gói vào dịp Tết Cổ truyền của dân tộc Việt và Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (Ảnh minh họa)
Nghề nông của người Việt dưới thời các Hùng Vương được phản ánh trong sự tích bánh chưng, bánh giầy, dưa hấu, trầu cau. Bên cạnh đó, người Việt thời Hùng Vương cũng thạo nghề bắt cá, chài lưới (điển hình bằng tục vẽ mình), nghề luyện kim (truyện Phù Đổng Thiên Vương, Trống đồng Đông Sơn) và nghề buôn bán (truyện Chử Đồng Tử, truyện Mai An Tiêm).
Việt Nam cũng có 2 di sản về thời đại Hùng Vương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đó là hát Xoan - những điệu hát có từ thời Hùng Vương, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn khẩn cấp năm 2011. Tiếp đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của việc thờ cúng tổ tiên của người Việt, được công nhận là Di sản văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhân loại vào năm 2012.
Tết cổ truyền lưu giữ văn hóa của người Việt
Tết Cổ truyền là ngày lễ hội lớn của người Việt cổ nhằm mừng một vụ mùa nông nghiệp mới. Về bản chất, tết là khoảng thời gian nông dân được nghỉ ngơi, vui chơi trước khi bắt đầu một chu kỳ canh tác mới. Bên cạnh đó, bữa ăn ngày tết của người Việt cũng đủ đầy hơn ngày thường với ước mơ về sự đủ đầy trong cả năm.
Thậm chí, trong các ngày “nông nhàn” là tết, một bộ phận nông dân còn trở thành người buôn bán ở chợ hoặc thợ thủ công để kiếm thêm thu nhập. Đó chính là nguồn gốc của các khu chợ chỉ họp vào dịp Tết Nguyên đán như phiên chợ Thiều (tỉnh Thanh Hóa), chợ đình Bích La (tỉnh Quảng Trị), chợ Gia Lạc (tỉnh Thừa Thiên Huế), chợ Gò (tỉnh Bình Định),...
Nấu bánh chưng là nét văn hóa độc đáo vào ngày tết của người Việt cổ còn lưu lại đến tận bây giờ
Như vậy, Tết Cổ truyền là “hàng rào” của văn hóa Việt. Nấu bánh chưng, bánh giầy, ăn trầu cau,... là những nét văn hóa độc đáo vào ngày tết của người Việt cổ còn lưu lại đến tận bây giờ. Gần đây, có quan điểm cho rằng, nước ta nên bỏ Tết Cổ truyền và chỉ ăn Tết Tây khiến dư luận phản ứng. Bởi về bản chất, Tết Cổ truyền là bản sắc văn hóa của người Việt có từ cách đây hàng ngàn năm, vào thời dựng nước và giữ nước.
Giả sử, nếu bỏ Tết Cổ truyền và chỉ nghỉ vào ngày Tết Dương lịch như ở phương Tây thì người đi làm xa quê làm sao có thể về kịp? Làm sao có thể duy trì truyền thống tốt đẹp “Mùng một Tết cha, Mùng hai Tết mẹ, Mùng ba Tết thầy”? Do đó, Tết Cổ truyền cũng là tết của sự đoàn viên. Chính tâm lý “trọng tình” của người Việt đã hun đúc nên một cái tết kéo dài nhưng rất hợp lý.
Ăn Tết cổ truyền tiết kiệm, vui vẻ, an toàn
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước ta đã cổ vũ việc đón tết của người dân theo hướng tiết kiệm. Đầu năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về tham gia chống hạn ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Khi ấy còn 1 tháng 10 ngày nữa đến Tết Nguyên đán năm 1958, tại buổi nói chuyện với nhân dân trong xã, Người góp ý: “Năm ngoái bà con ăn tết mổ lợn, mổ bò,... rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước sách linh đình, đồng bóng bói toán thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong, mỹ tục. Năm nay, nhất định sửa. Tết năm nay phải là tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm”.
Ngày 18/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?, trong đó, Người nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn tết vui vẻ, tiết kiệm. Người nhận định: “Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”. Người đã kêu gọi: “Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.
Như vậy, Tết Nguyên đán của người Việt đã có từ lâu, trở thành nét đẹp theo dòng chảy thời gian và luôn được tiếp nối, giữ gìn./.
Nguyễn Văn Toàn