Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An - Nguyễn Trung Thu chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (gọi tắt dự thảo). Luật dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (gọi chung là quan hệ dân sự).
Ông Nguyễn Trung Thu nêu những vấn đề lớn cần đóng góp cho dự thảo như: Tòa án nhân dân (TAND) các cấp có thụ lý những vụ việc chưa có quy định trong luật hay không? Các vấn đề về quyền nhân thân, quyền tài sản như: Đặt tên, thời điểm xác lập quyền sở hữu, thời hiệu, vật quyền sở hữu và vật quyền khác,...
Đại diện TAND tỉnh cho ý kiến, dự thảo có những quy định rất sát với thực tiễn xét xử, tôn trọng những giao dịch thực tế chứ không nhất thiết phải có hình thức. Về thời hiệu thừa kế, nhất trí như luật đã quy định. Về quy định thuật ngữ mới làm sao cho dễ hiểu để người dân dễ tiếp cận, hạn chế đưa khái niệm mới gây khó hiểu. Đại tá Phạm Hữu Châu - Phó Giám đốc Công an tỉnh đóng góp, cơ bản thống nhất về bố cục dự thảo. Việc xét xử của TAND phải có cơ sở mặc dù áp dụng tập quán pháp, án lệ. TAND không được quyền từ chối khi người dân có vụ việc cần tòa xét xử. Không nên giới hạn số chữ cái đặt tên đối với người có quốc tịch Việt Nam, nhưng đừng đặt tên khó gọi hoặc gây phản cảm. Việc chuyển đổi giới tính cần có quy định cụ thể để tránh hiểu lệch lạc. Quy định lãi suất thỏa thuận giữa các đương sự không quá 200% như vậy là so với luật cũ có quá cao hay không?
Đại diện TAND huyện Đức Hòa có ý kiến, cần làm rõ nghĩa từ "không được từ chối", vì trên thực tế, có những vụ việc TAND cũng không thể thụ lý giải quyết. Việc đặt tên theo quy định dự thảo có những bất cập như người dân tộc khác: Châu Âu, châu Phi khi nhập quốc tịch Việt Nam thì có quy định cụ thể việc đặt tên cho họ. Việc chia tài sản thừa kế bất động sản và động sản có thời hiệu thừa kế khác nhau, gây khó cho việc xét xử.
Các ý kiến khác cho rằng: Bổ sung thêm quy định về khiếm khuyết giới tính cụ thể mới cho chuyển giới, tránh hiểu và suy nghĩ lệch lạc. Việc quy định áp dụng theo tập quán, án lệ thì phải có quy định cụ thể vụ việc này, tránh tùy tiện trong xét xử. Quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp cần được cụ thể hóa để áp dụng cho phù hợp, bảo đảm quyền con người. Quyền thừa kế và thời hạn thừa kế cũng như việc lập di chúc cần quy định cho phù hợp pháp luật và đạo đức của dân tộc.
Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu, tập hợp các ý kiến đóng góp, trình Quốc hội thông qua./.
Đ.Lâm