Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 16/4 về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vaccine COVID-19 với ngành y tế của 63 tỉnh, thành phố, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương hoàn thành kế hoạch tiêm phòng trước ngày 5/5. Địa phương nào không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi.
Tính đến 16h ngày 18/04/2021, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh/TP cho 79.182 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương, các lực lượng công an và quân đội.
Việt Nam bước vào giai đoạn triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt 2.
Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Việt Nam đang bước vào giai đoạn triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt 2. Hầu hết các địa phương được cung ứng vaccine, vật tư tiêm chủng phục vụ đợt 2. Hiện đã có 5 tỉnh triển khai tiêm chủng đợt 2 là Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Phú Yên và Bắc Giang.
Tuy nhiên, báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 16/4 cũng cho biết, nhiều tỉnh chưa phê duyệt Kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 (đợt 2). Công tác triển khai tiêm chủng chiến dịch tại một số địa phương chưa đạt tiến độ mong muốn. Bên cạnh đó, thời hạn sử dụng vaccine khá ngắn (tối đa 2 tháng). Đây là vaccine mới, các thông tin về an toàn đang được tiếp tục cập nhật.
Trước những vấn đề này, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đề nghị UBND tỉnh, thành phố sớm phê duyệt kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, chỉ đạo sát sao để đạt tiến độ tiêm chủng của các đợt chiến dịch, bố trí kinh phí triển khai. Đồng thời Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng đề nghị các địa phương triển khai liên tục theo hình thức chiến dịch, không gián đoạn để đạt tiến độ đề ra; tăng cường công tác phối hợp giữa hệ điều trị và dự phòng trong quá trình triển khai...
Trong đợt 1, hầu hết tỉnh, thành nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm phòng. Vaccine COVID-19 của AstraZeneca là loại mới nên các cơ sở y tế thận trọng trong quá trình triển khai. Một số địa phương triển khai còn dè dặt, ngắt quãng nên tiến độ chưa như mong muốn.
Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.
Ngày 15/4, Bộ Y tế quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng. Được biết, Ban Chỉ đạo này tập hợp các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực điều trị để có thể xử lý hỗ trợ các địa phương xử lý các trường hợp quá mẫn nặng sau tiêm, kể cả các trường hợp huyết khối nếu xảy ra.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 đã được phân bổ cho các đơn vị, bộ ngành và địa phương. Đồng thời đề nghị các địa phương không để liều vaccine nào bị hủy do không tổ chức tiêm. Địa phương nào không triển khai tiêm, Bộ Y tế sẽ thu hồi vaccine và thông báo rộng rãi./.
Theo VOV.VN