Tiếng Việt | English

30/09/2020 - 18:51

Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào khi có vaccine COVID-19?

Ngày 30/9, Bộ Y tế cùng với tổ chức PATH và ĐSQ Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo giới thiệu vaccine COVID-19, chia sẻ việc chuẩn bị sử dụng vaccine phòng chống COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam. 

Bằng việc triển khai sớm các biện pháp can thiệp hiệu quả với chi phí thấp, công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam đã duy trì được số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở mức thấp. Việt Nam cũng đang song song xây dựng các chính sách và quy định để hỗ trợ việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine được thực hiện nhanh chóng ngay khi có vaccine COVID-19. 


Bộ Y tế cùng với tổ chức PATH và ĐSQ Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo giới thiệu vaccine COVID-19, chia sẻ việc chuẩn bị sử dụng vaccine phòng chống COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Hội thảo này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam triển khai kế hoạch chiến lược quốc gia ngay khi có vaccine COVID-19, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện từ các Bộ, ngành liên quan của Chính phủ, các viện quốc gia và chương trình tiêm chủng, các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế. Việt Nam là một trong 92 quốc gia tham gia chương trình “Giải pháp tiếp cận vắc xin COVID-19 toàn cầu” và sẽ có cơ hội được tiếp cận và được cung ứng sớm các vắc xin ngừa Covid-19.

Hiện nay, 4 nhà sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và Công ty TNHH MTV Vaccone và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN cũng đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19. 

Dự kiến trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, III tại Việt Nam. Hiện Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vắc xin COVID-19. 

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức PATH và hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Vương quốc Anh, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo triển khai sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine COVID-19 tại Việt Nam vào tháng 7/2020 nhằm thống nhất về chủ trương, nguyên tắc và kế hoạch triển khai các hoạt động nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký sử dụng vaccine COVID-19 trong tình trạng y tế khẩn cấp. 

Ông Vũ Minh Hương, Cố vấn Kỹ thuật Khu vực, Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận Vaccine, tổ chức PATH cho biết: “Do tình huống đặc biệt mà chúng ta đang phải đối mặt với COVID-19, điều đặc biệt quan trọng là các nhà sản xuất vaccine và cơ quan quản lý hiểu và đồng thuận với các cơ chế, chính sách và quy định phù hợp để hướng tới việc phát triển vaccine COVID-19 trong thời gian sớm nhất mà vẫn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả”. 


Các nhà nghiên cứu tại VABIOTECH tiêm thử vaccine COVID-19 trên chuột thí nghiệm.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab nhấn mạnh: “Việc hợp tác giữa các nhà khoa học của Anh và Việt Nam sẽ bảo vệ công dân của hai nước, đồng thời ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh trên toàn cầu đang đe dọa đến tất cả chúng ta. Vương quốc Anh đang nỗ lực góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới”. 

Vương Quốc Anh đã cam kết hỗ trợ 50 triệu bảng để hỗ trợ các nước ASEAN ứng phó với COVID-19. Khoản đóng góp này bao gồm cả 6,3 triệu bảng mới được cam kết để củng cố hệ thống y tế và phục hồi kinh tế trong khu vực ASEAN.

Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh duy trì và phát triển mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Năm 2020, hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược và sẽ tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm lĩnh vực y tế./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết