Kiểm tra sức khỏe trẻ nhỏ tại Bệnh viện Đa khoa Điện Biên. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình hiện đang phải đối diện với nhiều vấn đề mới nảy sinh, khó khăn, thách thức ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản của Việt Nam và Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng nhấn mạnh khó khăn, thách thức đầu tiên phải kể đến là mức sinh giữa các vùng miền, tỉnh, thành phố khác biệt rất lớn.
Có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên mức sinh còn rất cao.
Tỷ lệ tử vong mẹ và tỷ suất trẻ em tử vong cũng còn nhiều khác biệt giữa các vùng miền.
Tử vong mẹ ở miền núi vẫn gấp 3 lần vùng đồng bằng và ở những tỉnh cao nhất có thể gấp 10 lần so với tỉnh thấp nhất.
Tử vong sơ sinh vẫn còn cao, chiếm 70% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi.
Bên cạnh đó, gánh nặng kép về dinh dưỡng đã xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn.
Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây qua đường tình dục (HIV) và ung thư đường sinh sản còn cao…
Việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa được đầu tư thỏa đáng trong bối cảnh già hóa dân số.
Nhân lực chuyên ngành sản khoa và nhi khoa thiếu trầm trọng ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện.
Tiến sỹ Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em (Bộ Y tế) nêu rõ: Công tác tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục tiền hôn nhân, chăm sóc trước khi mang thai và chẩn đoán trước sinh cũng đang là một thách thức lớn đối với công tác dân số.
Việc chẩn đoán trước sinh nhằm phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến dị tật hoặc bệnh có tính chất di truyền hiện chưa được cả hệ thống y tế và người dân quan tâm…
Để giải quyết những thách thức này, các can thiệp cần được định hướng phù hợp với tùng vùng theo mức độ và tình trạng tử vong mẹ.
Với các vùng tử vong mẹ thấp, ngành y tế cần thực thiện cải thiện chất lượng dịch vụ.
Với những vùng có tỷ lệ tử vong mẹ cao, địa phương cần tăng cường các hoạt động nhằm khuyến khích tiếp cận dịch vụ đi kèm với nâng cao chất lượng như: tăng cường năng lực cấp cứu và chuyển tuyến ở các vùng sâu, vùng xa; tăng cường cung cấp dịch vụ ngoại trạm, lưu động tại xã, thôn; thành lập và vận hành đội chuyển tuyến dựa vào cộng đồng…
Hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên chưa có gia đình cần tập trung vào các nội dung: Hậu quả của quan hệ tình dục không an toàn; có thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn; thông tin, kiến thức và các biện pháp tránh thai; bạo hành và lạm dụng tình dục./.
Thu Phương/Vietnam+