Tiếng Việt | English

14/10/2020 - 11:25

Việt Nam-Hoa Kỳ triển khai thỏa thuận khung về chính phủ điện tử

USAID sẽ hỗ trợ Văn phòng Chính phủ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng sự phối hợp liên ngành tại Việt Nam, nâng cao tính minh bạch và tiếp tục phát triển hơn nữa Cổng Dịch vụ công quốc gia.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Quyền Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam Bradley Bessire ký Biên bản ghi nhớ triển khai thoả thuận chung chiến lược Chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực Chính phủ điện tử của Việt Nam

Chiều 13/10, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Bradley Bessire đã ký kết Biên bản ghi nhớ về triển khai thỏa thuận khung chiến lược về Chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực Chính phủ điện tử của Việt Nam.

USAID sẽ hỗ trợ Văn phòng Chính phủ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sự phối hợp liên ngành tại Việt Nam, nâng cao tính minh bạch và tiếp tục phát triển hơn nữa Cổng Dịch vụ công quốc gia - một nền tảng Chính phủ điện tử nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và đem lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.

Hỗ trợ của USAID cho nỗ lực tăng cường năng lực này có bốn hợp phần chính gồm cập nhật các quy định liên quan đến triển khai thực hiện việc cung cấp dịch vụ công và xử lý hồ sơ trực tuyến; hỗ trợ quản lý sự thay đổi của các cơ quan tổ chức nhằm cải thiện hoạt động cung cấp dịch vụ và thúc đẩy các chương trình truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả của Cổng Dịch vụ công quốc gia; cải thiện quy trình nghiệp vụ, thiết kế giao diện và trải nghiệm của người dùng Cổng Dịch vụ công quốc gia; hỗ trợ tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ tại các trung tâm một cửa, trong đó tập trung vào số hóa thủ tục hành chính và tiếp cận các kết quả số hóa thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định Bản ghi nhớ là văn kiện quan trọng thể hiện sự nỗ lực, cam kết mạnh mẽ và mong muốn hợp tác của hai bên trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên, pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam và Hoa Kỳ tham gia hoặc ký kết.

Lễ ký kết diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ đã khởi tạo những tín hiệu tốt đẹp cho hợp tác giữa hai bên trong những năm tiếp theo.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Văn phòng Chính phủ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Hoa Kỳ, USAID tại Việt Nam trong triển khai các chương trình, dự án của USAID tại Việt Nam nói chung, Bản ghi nhớ này và dự án Thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin về việc cơ quan hành chính nhà nước Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công sang phương thức điện tử, phi giấy tờ. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ cắt giảm được 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Chính phủ đã ban hành quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Các hệ thống thông tin quan trọng làm nền tảng cho việc phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được đưa vào vận hành đã giúp tiết kiệm tổng chi phí xã hội trên 8.500 tỷ đồng/năm.

Quan trọng hơn, các nền tảng này tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống hành chính, giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp; vừa tạo lực kéo, vừa tạo lực đẩy trong triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho rằng, Bản ghi nhớ về hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực Chính phủ điện tử được ký kết là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt không ngừng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, củng cố cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa quản trị công, cải cách thủ tục hành chính và phát triển Chính phủ điện tử.

USAID sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường sự phối hợp liên ngành và tính minh bạch, đồng thời phát triển nền tảng Chính phủ điện tử, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Với hỗ trợ này, trong hai năm tới, sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển và tiến bộ trong Chính phủ điện tử. Thông qua quan hệ hợp tác này, hai bên đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhờ đó tăng tính minh bạch, hiệu quả, đồng thời giúp Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

“COVID-19 đã đặt ra yêu cầu tăng cường hệ sinh thái số. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ xây dựng một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập với một hệ sinh thái số mở, toàn diện và an toàn," Đại sứ Daniel J. Kritenbrink khẳng định.

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink khẳng định nỗ lực này chứng tỏ mối quan hệ đối tác tin cậy, tình hữu nghị giữa hai đất nước được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết