Tiếng Việt | English

01/12/2020 - 14:36

Việt Nam là 1 trong những quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS hàng đầu thế giới

Ngày 01/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống HIV/AIDS do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ Y tế - Đỗ Xuân Tuyên chủ trì. Tại điểm cầu Long An, Phó Giám đốc Sở Y tế - Võ Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua

Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhiều mô hình phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả của thế giới cũng được áp dụng tại Việt Nam. Thời gian gần đây, nước ta liên tục được cộng đồng quốc tế nhắc đến như là một trong những điểm sáng, là quốc gia áp dụng nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam cũng sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục nhiều năm đạt được mục tiêu 3 giảm: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; và giảm số người tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam cũng là 1 trong 4 quốc gia (bên cạnh Anh, Đức, Thụy Sĩ) có chất lượng điều trị HIV/AIDS hàng đầu thế giới.

Tại điểm cầu Long An, Phó Giám đốc Sở Y tế - Võ Văn Thắng chủ trì hội nghị

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực để đạt thành quả trong thời gian qua, đồng thời cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dù đạt những thành quả tích cực, cả nước không chủ quan, lơ là vì dịch HIV/AIDS không thể tự mất đi nếu không được đầu tư can thiệp. Việc đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS không chỉ mang lại hiệu quả lớn về sức khỏe mà còn góp phần ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội, do đó, cần tăng cường đầu tư, phân bố ngân sách, bảo đảm tài chính và lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, ngành Y tế cần phát huy mọi nguồn lực, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu và không kỳ thị người nhiễm HIV.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, Việt Nam tập trung vào chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. 

Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. 

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Đây cũng là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


Tin mới Vulvovagi Xịt đào thải HPV Hydroxycut elite Bệnh viện Emcas tích hợp hệ thống Xquang