Tiếng Việt | English

30/11/2020 - 08:54

Phòng, chống HIV/AIDS: Trách nhiệm của mỗi người

HIV/AIDS từng là nỗi đe dọa, lo sợ của con người trên khắp hành tinh này. Hội chứng gây suy giảm miễn dịch ở người do nhiễm phải virus HIV đã gieo rắc “cái chết trẻ” cho hàng triệu người thông qua đường máu, đường tình dục, lây từ mẹ sang con. Những người nghiện hút, chích ma túy, quan hệ tình dục không lành mạnh sẽ có nguy cơ nhiễm HIV cao.

Với sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế nói chung và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh nói riêng, chúng ta đã từng bước ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, HIV vẫn là mối đe dọa sức khỏe, tính mạng con người nếu chủ quan, lơ là, thiếu kiến thức và kỹ năng phòng, tránh.

Mới đây, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Qua đó cho thấy, quyết tâm phòng, chống HIV/AIDS của nước ta, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và điều kiện cần thiết để công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu lực, hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu vào năm 2030 về cơ bản Việt Nam chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12), Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2020. Năm 2020, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động là “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”.

UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông đại chúng triển khai hiệu quả Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, tránh HIV/AIDS, từng bước thực hiện mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.

Để thực hiện tốt Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, tùy theo tình hình và điều kiện cụ thể, nên tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông mang lại hiệu quả thiết thực trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả như treo băng rôn tại trụ sở làm việc, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức phòng, tránh HIV/AIDS cho cán bộ, công nhân viên của đơn vị. Các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng đăng tin, phát sóng tuyên truyền các thông điệp về phòng, chống HIV/AIDS; không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức vận động sự ủng hộ của các nguồn lực xã hội tổ chức thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình, người nhiễm HIV/AIDS an tâm điều trị bệnh, tránh lây bệnh cho cộng đồng; tuyên truyền, vận động người có nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS như: Tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện, chăm sóc và điều trị ARV, điều trị thay thế bằng thuốc Methadone. Cần quan tâm nhóm đối tượng có nguy cơ cao, các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Lưu ý truyền thông về lợi ích của xét nghiệm, điều trị HIV sớm nhằm thực hiện mục tiêu 90-90-90 góp phần đạt mục tiêu chiến lược Quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Để phòng, chống HIV/AIDS, mỗi người hãy sống có trách nhiệm với sức khỏe, sự an toàn của chính mình, gia đình mình, cộng đồng và xã hội!

Tân An

Chia sẻ bài viết