Sản xuất các sản phẩm may xuất khẩu. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Sau khi Hy Lạp không thể trả khoản nợ đáo hạn trị giá 1,5 tỷ euro (tương đương 1,7 tỷ USD) cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong ngày 30/6, Xứ sở Các vị thần đã trở thành quốc gia công nghiệp phát triển đầu tiên rơi vào tình trạng chậm trả nợ cho IMF.
Mặc dù IMF đã nhận được đề nghị xin gia hạn trả nợ của Athens và ban giám đốc IMF sẽ cân nhắc thêm về đề xuất này, kinh tế Hy Lạp đang đứng trước những thách thức quá lớn khi mọi nguồn lực tài chính đã cạn kiệt, trong khi không thể tiếp cận thêm nguồn vốn của IMF cũng như gói cứu trợ quốc tế của các chủ nợ.
Xung quanh câu chuyện Việt Nam chịu tác động thế nào từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, cũng như ảnh hưởng tới kinh tế châu Âu và kinh tế toàn cầu ra sao, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới về vấn đề này.
Theo chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ đã được dự báo từ trước, khi châu Âu đã bắt đầu cân nhắc về những tổn hại tới khu vực. Về lý thuyết, việc Hy Lạp vỡ nợ có thể coi là hành động “chưa trả được nợ” hay “khất nợ” chứ chưa tuyên bố chính thức tới mức “vỡ nợ.”
Tuy nhiên, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng khi điều này xảy ra thì các định chế tài chính quốc tế cho Hy Lạp vay tiền như IMF sẽ chịu thiệt hại, song đó chỉ là những tác động trước mắt.
Thị trường tài chính và thị trường hàng hóa sẽ có những chấn động trong ngắn hạn, nhưng “dư chấn” đối với kinh tế châu Âu nói riêng và thế giới nói chung sẽ không quá nhiều vì bản thân kinh tế châu Âu hiện đã tốt hơn.
Khu vực này đã xây dựng được một liên minh ngân hàng, phối hợp xử lý khủng hoảng cũng như có Cơ chế ổn định tài chính châu Âu với nguồn vốn hơn 500 tỷ USD.
Bên cạnh đó, khủng hoảng nợ Hy Lạp đã kéo dài trong thời gian dài, các nhà đầu tư đã lường trước được những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra với Hy Lạp (ngay cả khi Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực đồng euro) và đã chuẩn bị để ứng phó với khủng hoảng.
Đánh giá về những tác động tiềm ẩn tới Việt Nam trong bối cảnh châu Âu là một đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nhận định Việt Nam sẽ không chịu quá nhiều tác động xấu từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Mặt không tích cực là trong trường hợp giá trị đồng euro yếu đi so với USD thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, giá trị đồng euro yếu đi cũng khiến hoạt động đầu tư và du lịch từ châu Âu vào thị trường Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn. Đây là những điểm mà Việt Nam cần lưu ý./.
Theo Vietnam+