Tiếng Việt | English

11/07/2017 - 20:44

Vĩnh biệt bác Tám - Người hết lòng vì đàn em thân yêu 

Được tin bác Tám (ông Lê Quang Thẩm - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư; nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An; nguyên Phó Tổng Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ); nguyên đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, đã nghỉ hưu) ra đi trong những ngày tháng 7 khiến lòng người như trĩu nặng. Thế là, Long An vĩnh viễn mất đi một người con ưu tú, luôn nặng lòng vì quê hương cho dù nhiều năm liền, bác sinh sống tại TP.HCM.

Bác Tám - Lê Quang Thẩm (thứ 7, trái qua) trong lần về dự lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bí thư Xứ ủy Nam kỳ - Võ Văn Tần. Ảnh: MHD


Bí thư Tỉnh ủy Long An - Phạm Văn Rạnh chúc mừng bác Tám - Lê Quang Thẩm nhân dịp đón năm mới 2016. Ảnh: MHD


Bác Tám về dự họp mặt mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu năm 2017. Ảnh: MHD

Tôi may mắn có dịp được gặp và làm việc với bác trong một lần nhận đề tài do tòa soạn phân công cách đây gần 2 năm. Thời gian tiếp xúc với bác không nhiều nhưng đủ cho tôi có những ấn tượng rất đặc biệt về bác.

Còn nhớ khi ấy, lần đầu tiên, tôi liên lạc với bác qua điện thoại, cứ sợ bác từ chối. Nhưng không, bác vẫn vui vẻ tiếp chuyện và cho tôi lịch hẹn. Tuy nhiên, mỗi lần gần đến ngày hẹn, bác lại chủ động hẹn vào một dịp khác. Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi cũng được gặp bác. Bác sống rất giản dị trong căn nhà tại quận Bình Thạnh. Khung cảnh nơi ấy khá yên ả so với nhịp sống ồn ào và hối hả của phố thị.

Bên tách trà nóng, bác nói từng tiếng chậm rãi và mong tôi thông cảm vì mấy lần thất hứa của bác. Bác hiểu sự vất vả của người làm báo nhưng lúc đó, sức khỏe bác đang yếu nên không thể tiếp chuyện. Nghe những chia sẻ của bác, tôi thấy mình như có lỗi khi chiếm phần thời gian nghỉ ngơi của bác. Bác trấn an tôi không phải ngại, cứ ngồi trò chuyện thoải mái.

Suốt buổi chiều hôm ấy, giữa tôi và bác không chỉ dừng lại ở người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn nữa mà là cuộc trò chuyện tâm tình, nhắn nhủ của bác đối với thế hệ trẻ.

Bác từ tốn kể về chuyện đời mình, về người thân, gia đình, về quê hương Đức Hòa - nơi bác sinh ra, nhất là những tâm huyết của bác dành cho Ban Liên lạc Đồng hương Đức Hòa tại TP.HCM.

Những hình ảnh về hoạt động của ban liên lạc được bác Tám lưu giữ cẩn thận

Câu chuyện của bác kể giúp tôi hình dung được những khó khăn, vất vả bác từng trải qua trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Được trò chuyện cùng bác, tôi cảm thấy bác rất gần gũi, thân thiện hơn là phong thái của nguyên một vị lãnh đạo. Tuy nhiên, bác có một nguyên tắc mà tôi nghĩ mình cần phải học tập, đó là rất cẩn trọng. Hơn nữa, bác là người rất khiêm tốn.

Bác nói: “Con đừng viết nhiều về bác, về gia đình bác mà hãy viết nhiều đến những cộng sự, đồng hương khác của bác. Bởi họ rất xứng đáng được nêu gương. Nếu như không có họ ủng hộ, đồng hành, ban liên lạc của bác sẽ khó lòng hoạt động được”.

Chính vì vậy, nơi bác ở lưu giữ cẩn thận rất nhiều hình ảnh trong những lần bác cùng ban liên lạc về Đức Hòa xây tặng nhà tình thương, tình nghĩa, xây cầu, tặng học bổng, quà cho học sinh nghèo,... Nói đến đây, bác bùi ngùi khi nhớ về những người có nhiều cống hiến, tâm đắc cùng mình giờ đã về với đất,...

Mắt bác đỏ hoe khi nói về cố Thượng tướng Thi Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cũng là một người con của quê hương Đức Hòa. Cố Thượng tướng vận động xây dựng một ngôi trường tiểu học khang trang tại xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa với số tiền khi ấy là 25 tỉ đồng. Nhưng tiếc thay, cố Thượng tướng vĩnh viễn ra đi trước khi nhìn thấy ngôi trường mới được hoàn thành.

Bác Tám (ngoài cùng bìa phải) trò chuyện cùng mọi người tại cuộc họp mặt truyền thống Chợ Lớn - Trung HuyệnLần gần đây nhất, khi tôi gặp lại bác vào đầu năm 2017, nhân dịp họp mặt truyền thống Chợ Lớn - Trung huyện tại huyện Cần Giuộc. Lại chào bác, phải mất vài phút suy nghĩ, bác mới nhận ra tôi. Thời gian đúng là có sức “tàn phá” ghê gớm, làm bác yếu đi rất nhiều. Bước từng bước khó nhọc do tuổi cao, sức yếu nhưng bác chia sẻ rằng, mình vẫn còn nặng nợ với quê hương. Bác cũng hy vọng, ban liên lạc sau này dù không còn bác sẽ có những thành viên khác mang hết tâm huyết của mình vì quê hương mà phục vụ.

Bác Tám (giữa) trong lần họp mặt truyền thống Chợ Lớn-Trung huyện

Vẫn biết là tạo hóa rất khó thay đổi và quy luật sinh - tử là chuyện thường ở đời nhưng sao tôi vẫn nghe nghẹn đắng. 12 năm đồng hành cùng Ban Liên lạc Đồng hương Đức Hòa, người “thủ lĩnh” ấy đem cả tâm huyết, tấm lòng dành trọn cho quê hương, nhất là đối với những học sinh giỏi, vượt khó học tập. Giờ đây, ở cái tuổi 87, bác Tám về với đất, để lại bao tiếc thương cho người ở lại. Tấm lòng, tình cảm của bác dành cho quê hương thật đáng ngưỡng mộ. Tấm chân tình ấy vẫn sống mãi trong lòng những người dân Long An, của những trẻ em được bác nâng đỡ.

Chia sẻ về bác Tám, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đức Hòa - Trương Thị Kim Tiến cho rằng, gia đình bác Tám và các thành viên Ban Liên lạc Đồng hương Đức Hòa tại TP.HCM đồng hành cùng công tác khuyến học, khuyến tài nhiều năm nay.

Mỗi năm, ban liên lạc đóng góp hàng tỉ đồng tặng học bổng, tặng quà,... riêng năm 2016, bác và các thành viên vận động đóng góp hơn 13 tỉ đồng cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây nhà tình nghĩa, tình thương, tặng quà tết,...

Bác Tám là người gần gũi, gắn bó với quê hương. Sự ra đi của bác là một mất mát lớn. Mỗi lần có dịp trở về quê hương, bác luôn dặn dò các cháu phải cố gắng học thật giỏi vì tương lai sau này. Vì vậy, các cháu ở đây đều biết ơn và quý mến bác.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết