Ảnh minh họa. (Nguồn: Liver Doctor)
Những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú có hàm lượng vitamin D trong máu càng cao sẽ càng có khả năng khỏi bệnh.
Đây là kết luận của các nhà khoa học Mỹ trong nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Oncology (Ung thư học) của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) ngày 10/11.
Mặc dù các cơ chế tác động của vitamin D đối với kết quả chữa trị ung thư vú chưa được hiểu rõ, song các nhà khoa học tin rằng vitamin D có thể liên quan đến vai trò thúc đẩy sự phát triển tế bào vú bình thường và kiềm chế sự tăng sinh của tế bào ung thư.
Nghiên cứu trên được thực hiện dựa trên kết quả xét nghiệm lượng vitamin D trong máu của 1.666 bệnh nhân mắc ung thư vú trong giai đoạn từ năm 2006-2013.
Những bệnh nhân này được lấy máu trong 2 tháng kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh và trả lời câu hỏi về chế độ ăn, thói quen sinh hoạt và các yếu tố gây rủi ro khác.
Đợt xét nghiệm máu tiếp theo sẽ là thời điểm 6 tháng sau, tiếp đó là đều đặn 2, 4, 6 và 8 năm sau.
Các nhà khoa học khuyến cáo những người dưới 70 tuổi và phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên bổ sung 600 đơn vị vitamin D mỗi ngày, trong khi những người trên 71 tuổi cần bổ sung 800 đơn vị vitamin D.
Vitamin D là chất dinh dưỡng được biết đến nhiều nhất với vai trò duy trì sức khỏe của xương và việc thiếu hụt vitamin này có thể dẫn đến nguy cơ mắc một vài bệnh ung thư.
Nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể chủ yếu từ ánh nắng Mặt Trời, dầu cá, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc và các loại thuốc bổ sung vitamin..../.
Theo TTXVN