Tiếng Việt | English

26/09/2015 - 13:44

Vụ giẫm đạp Mecca: tổ chức kém, lối đi độc đạo

Nhà vua Salman của Saudi Arabia yêu cầu “xem xét lại” việc tổ chức hành hương. Chính quyền nước này cũng mở cuộc điều tra về nguyên nhân thảm họa giẫm đạp khiến hơn 717 người thiệt mạng.


Tín đồ Hồi giáo ở Ahmedabad (Ấn Độ) than khóc khi hay tin người thân thiệt mạng ở Mecca - Ảnh: Reuters

Nói về vụ giẫm đạp nghiêm trọng nhất trong vòng 25 năm qua tại thánh địa Mecca, nhà vua Salman tuyên bố cần “cải thiện mức độ tổ chức và quản lý việc di chuyển của người hành hương”.

Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia Khalid al-Falih cũng cho biết chính quyền sẽ tiến hành cuộc điều tra nguyên nhân thảm họa diễn ra tại Mina, cách Mecca khoảng 5km.

“Cuộc điều tra về vụ việc xảy ra ở Mina, có lẽ xảy ra do một số người hành hương không tuân theo hướng dẫn của chính quyền, sẽ diễn ra nhanh chóng và công bố kết quả” - Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Y tế Saudi Arabia.

Chính quyền cho biết có 863 người bị thương sau vụ giẫm đạp được chuyển đến các bệnh viện ở Mecca và một số vùng khác nếu cần thiết.

Đổ lỗi cho nhau

Theo thông tin ban đầu, vụ giẫm đạp bắt đầu từ va chạm giữa hai dòng người hành hương tại khu vực ngoài cầu Jaramat, nơi thực hiện nghi thức ném đá trừ tà.

“Tôi thấy một người vấp phải một người khác ngồi xe lăn và vài người khác vấp vào anh ta. Mọi người trèo lên nhau chỉ để thở” - một nhân chứng kể lại.

CNN mô tả các thi thể chất chồng lên nhau và nhân viên cứu hộ mất nhiều giờ kéo các thi thể để giải cứu những người còn sống. Tuy nhiên hôm qua (25-9), hàng trăm ngàn người vẫn tiếp tục việc hành hương bất chấp vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra.

Trong khi phía chính quyền Saudi Arabia tuyên bố người hành hương không tuân thủ quy định của lễ hành hương Haji, các nhân chứng lại cho rằng nguyên nhân thảm họa là do sự yếu kém của ban tổ chức. Các nhân chứng cho biết cảnh sát chặn tất cả lối ra vào khu lều trại của người hành hương, chỉ để lại một lối đi duy nhất.

“Họ có thể tổ chức một đường cho những người đi đến và một đường cho những người trở về. Nếu có một cảnh sát đứng ở đầu mỗi con đường và hướng dẫn người hành hương thì chuyện như thế này đã không xảy ra” - một người hành hương tên Ahmed nói.

Ngoài ra, mặc dù chính quyền Saudi Arabia cho biết triển khai 100.000 cảnh sát bảo vệ nhưng lực lượng này bị cho là không được đào tạo và thiếu các kỹ năng giao tiếp với những người hành hương tới từ các quốc gia khác cũng như kiểm soát đám đông.

“Thậm chí họ không biết các con đường và địa điểm tại đây” - AFP dẫn lời Ahmed Abu Bakr, một người hành hương Libya may mắn thoát chết. Một nhân chứng khác nói cảnh sát chỉ túm tụm lại một chỗ và chẳng làm gì.

Nhiều nguyên nhân

Giới quan sát cho rằng thảm họa giẫm đạp ở Mecca xuất phát từ nhiều yếu tố và vụ va chạm chỉ là nguyên nhân trực tiếp. Hơn 2 triệu tín đồ Hồi giáo đổ về thánh địa để thực hiện lễ hành hương Haji bao gồm nhiều nghi lễ, trong đó có lễ ném đá trừ tà.

Ngày xảy ra vụ giẫm đạp là ngày thứ ba của lễ hành hương năm ngày và mọi người đang gấp gáp để hoàn thành nghi thức ném đá vào buổi sáng.

“Còn quá ít thời gian để thực hiện các nghi lễ” - CNN dẫn lời một người hành hương tên Ethar El-Katatney.

Ngoài ra, nắng nóng hơn 46oC cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ra thảm họa. “Trời thì nóng, nếu có người té xuống thì người khác sẽ đạp lên và xảy ra giẫm đạp” - El-Katatney nhìn nhận.

Nhiều giờ đứng dưới cái nóng khiến những người hành hương kiệt sức, choáng váng và khi xảy ra giẫm đạp thì họ không còn sức chống lại sự xô đẩy và không thể gượng dậy nếu bị ngã xuống đất.

“Nắng nóng và sự mệt mỏi của người hành hương góp phần gây ra số thương vong lớn” - Bộ trưởng Nội vụ Saudi Arabia Mansur al-Turki kết luận.

Cuối cùng, nhiều người hành hương lần đầu đến Mecca có thể đã thiếu kinh nghiệm trong việc tuân thủ các quy định và xử lý tình huống hỗn loạn.

“Họ cứ muốn tự mình đi hoặc tìm cách đi đường tắt” - phóng viên Jamal Khashoggi của kênh truyền hình Saudi El Arab TV ghi nhận./.

Iran chỉ trích mạnh

Iran, quốc gia có nhiều công dân thiệt mạng nhất trong thảm họa, đã chỉ trích dữ dội. “Chính phủ Saudi Arabia nên nhận trách nhiệm vụ việc đau lòng này. Việc quản lý yếu kém và các động thái sai lầm đã gây ra thảm họa này” - lãnh đạo tối cao Ali Khamenei lên tiếng.

Nước này đã tuyên bố quốc tang ba ngày cho các nạn nhân. Ngoài 131 người Iran, ít nhất 14 công dân Ấn Độ, 6 công dân Pakistan, 3 người Indonesia và một số công dân nước khác đã thiệt mạng do vụ giẫm đạp.

Trần Phương/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết