Hàng trăm hécta lúa nhiễm bệnh
Sau thời gian dài ít gây hại đối với cây lúa, vụ lúa Hè Thu 2017, bệnh VL-LXL lại xuất hiện, gây hại hàng trăm hécta lúa, nhất là tại huyện Tân Hưng và Tân Thạnh.
Ông Trần Thanh Trực, ngụ xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh - một trong những hộ có lúa bị ảnh hưởng do bệnh VL-LXL, cho biết: “Mấy vụ trước, bệnh VL-LXL dù có xuất hiện nhưng ít gây hại. Vụ Hè Thu này, diện tích lúa nhiễm bệnh tăng đột biến. Cá biệt có nhiều hộ, bệnh gây hại với tỷ lệ lên đến 50%”.
Bệnh vàng lùn xoắn lá gây hại trên lúa vụ Hè Thu và có nguy cơ bùng phát mạnh
Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Thạnh, đến nay, toàn huyện có 490ha nhiễm bệnh VL-LXL với tỷ lệ gây bệnh từ 10-15%, tập trung chủ yếu trên lúa trong giai đoạn đòng trổ. Riêng xã Hậu Thạnh Đông có diện tích lúa nhiễm bệnh cao nhất, khoảng 350ha. Còn ở các xã lân cận, bệnh xuất hiện rải rác.
Diện tích gieo sạ toàn huyện Tân Hưng đạt trên 38.400ha, thời điểm hiện tại, thu hoạch hơn 4.200ha, trong đó có 191ha lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL, tập trung ở 2 xã Vĩnh Châu B và Vĩnh Bửu. Đáng lưu ý, huyện có đến 137,7ha với diện tích nhiễm bệnh 40-60% và hơn 22ha không cho thu hoạch, người dân phải trục, sạ lại.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ, vụ Hè Thu năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa trái mùa xuất hiện liên tục. Đây là điều kiện cho một số dịch hại như sâu năn, rầy nâu phát triển,... gây ảnh hưởng đến sản xuất. Trong đó, nổi lên bệnh VL-LXL gây hại cho cây lúa đối với các diện tích gieo sạ trong tháng 3 và tháng 4/2017.
Nông dân “xé rào” xuống giống
Sau hơn 10 năm, bệnh VL-LXL được quản lý tốt, nông dân có phần chủ quan, “xé rào” không gieo sạ theo lịch khuyến cáo, không gieo sạ tập trung và không bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đối với vụ Hè Thu năm 2017, lịch gieo sạ tập trung diễn ra trong tháng 4, 5, 6 nhưng đến hết ngày 30/3/2017, có khoảng 35.000ha gieo sạ ngoài lịch, trong đó, riêng 2 huyện Tân Hưng và Tân Thạnh có 34.000ha, nhất là ở các khu vực có đê bao khép kín, nông dân thường tổ chức sản xuất 3 vụ/năm, thậm chí có khu vực sản xuất 2 năm 7 vụ.
Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Thạnh - Trần Văn Bưởi cho rằng, với việc gieo sạ liên tục như vậy, trên cùng 1 vùng sẽ có nhiều giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, tạo điều kiện thuận lợi cho rầy di trú sang những ruộng lân cận có trà lúa nhỏ hơn. Bên cạnh đó, nông dân có khuynh hướng sạ dày trở lại, bón nhiều phân đạm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên khả năng bộc phát rầy nâu rất cao.
Ghi nhận tại các khu vực nhiễm bệnh VL-LXL, hầu hết các diện tích nhiễm bệnh đều được người dân “xé rào” gieo sạ trong tháng 3 và tháng 4/2017. Việc nông dân “xé rào” xuống giống trước lịch thời vụ dẫn đến lúa bị nhiễm bệnh, không chỉ chính những hộ dân “xé rào” bị thiệt hại mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất chung của cả khu vực.
Cần biện pháp quản lý tốt
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ, trước nguy cơ bệnh VL-LXL tái bùng phát và có nguy cơ thành dịch trên diện rộng, ngành nông nghiệp huyện đang tập trung theo dõi đợt rầy trưởng thành tháng 6 (từ ngày 02 đến 12/6/2017), xác định mật độ rầy trưởng thành và thời gian rầy cám nở rộ để có biện pháp quản lý tốt đối tượng dịch hại này.
Hiện, ngoài 191ha lúa nhiễm bệnh VL-LXL,Tân Hưng có khoảng 700ha lúa nhiễm rầy nâu với mật độ trung bình từ 750-1.500 con/m2. Song song với việc theo dõi rầy nâu, đối với những diện tích nhiễm bệnh, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh VL-LXL.
Ngành chức năng khảo sát tình hình bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa tại huyện Tân Thạnh
Còn theo Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Thạnh - Trần Văn Bưởi, mặc dù trên địa bàn huyện, dịch bệnh VL-LXL xuất hiện chưa nhiều và mức độ gây hại thấp nhưng nguy cơ rất cao nếu không có biện pháp quản lý tốt. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện liên tục thông tin về bệnh VL-LXL nhằm khuyến cáo nông dân không chủ quan, chú trọng đối tượng dịch hại rầy nâu trên cây lúa.
“Theo dự báo, sắp tới, sẽ có đợt rầy nâu di trú gây ảnh hưởng đến diện tích lúa đã gieo sạ. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện và khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất” - ông Bưởi cho biết thêm.
Về lâu dài, chính quyền và các ban, ngành ở địa phương cần kiên quyết chỉ đạo, khuyến cáo người dân gieo sạ theo lịch thời vụ để né rầy và bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa, đẩy mạnh áp dụng các mô hình sản xuất “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” trong sản xuất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất và quản lý tốt đối tượng dịch hại trên cây lúa, hướng tới những vụ mùa thắng lợi./.
Kiên Định