Tiếng Việt | English

27/08/2018 - 18:35

Vụ Thu Đông 2018: Nhiều diện tích lúa có khả năng bị thiệt hại

Năm nay, lũ về sớm nên nhiều diện tích lúa Thu Đông 2018 có khả năng bị thiệt hại.

Hơn 11.600ha lúa có khả năng bị ảnh hưởng do lũ

Để tăng thêm thu nhập, nhiều nông dân trồng lúa vụ 3 (Thu Đông). Nếu như trước đây, lúa vụ 3 không nhiều và không được khuyến cáo sản xuất thì hiện nay, nông dân ồ ạt lấp vụ. Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ trên 23.000ha lúa Thu Đông (huyện Tân Hưng khoảng 2.885ha, Mộc Hóa 360ha, thị xã Kiến Tường 865ha, Tân Thạnh trên 17.000ha, Thạnh Hóa 1.500ha, Đức Huệ 400ha), trong đó có khoảng 10.000ha ở huyện Tân Thạnh và một số huyện nằm trong đê bao, số diện tích còn lại có khả năng bị ảnh hưởng lũ trên 11.600ha.

Chính quyền địa phương không khuyến khích sản xuất lúa vụ 3 nhưng nông dân vẫn tự ý gieo sạ

Chính quyền địa phương không khuyến khích sản xuất lúa vụ 3 nhưng nông dân vẫn tự ý gieo sạ

Tại huyện Tân Hưng, có trên 2.885ha lúa vụ 3 có khả năng bị ảnh hưởng lũ. Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài, sản xuất vụ 3 vào mùa mưa dầm, nước lũ lên, nông dân phải bơm, tát, tăng chi phí, năng suất, chất lượng lúa giảm nên lợi nhuận ít. Do đó, huyện không khuyến khích gieo sạ vụ 3 nhưng nông dân vẫn tự phát gieo sạ. Hiện lúa trong giai đoạn phát triển tốt. Để bảo đảm diện tích lúa vụ 3, huyện chủ động vận động người dân hiến đất, nâng cao bờ vùng, bờ thửa, gia cố các tuyến đê bao các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ; thông tin thường xuyên về tình hình lũ cho nông dân biết để có kế hoạch phòng tránh.

Anh Nguyễn Văn Chơn (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Vụ 3 năm nay do gieo sạ trễ nên đến nay, diện tích lúa của gia đình mới được 50 ngày tuổi. Trước khi gieo sạ, tôi luôn lo lúa bị sâu, bệnh nhưng sâu, bệnh không xuất hiện mà lũ lại về sớm nên hơn 3ha lúa của gia đình tôi đang có nguy cơ bị lũ đe dọa. Mặc dù năm nay, địa phương không chủ trương gieo sạ vụ 3 nhưng vì muốn có thêm thu nhập nên tôi vẫn gieo sạ”.

Bên cạnh đó, hiện nay, có 1.235ha lúa Thu Đông nhiễm rầy nâu với mật số 750-1.500 con/m2, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng; 579ha nhiễm bệnh đạo ôn lá từ 5-10% ở các huyện: Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.

Để sản xuất hiệu quả

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn Long An, đến ngày 31/8/2018, mực nước cao nhất ngày trên kênh Hồng Ngự tại Tân Hưng có khả năng lên mức 2,80m (cao hơn cùng kỳ năm 2017 là 0,84m); trên kênh 28 tại Vĩnh Hưng lên mức 2,60m (cao hơn cùng kỳ năm 2017 là 0,68m); trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa (Kiến Tường) 1,25m (cao hơn báo động I là 0,05m và cao hơn cùng kỳ năm 2017 là 0,21m), gây ngập những vùng trũng thấp tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, một phần các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường. Bên cạnh đó, sâu năn, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá,... còn diễn biến khá phức tạp, nếu không có biện pháp đối phó ngay từ đầu thì sẽ gây hại cho lúa Thu Đông.

Gia cố đê bao bảo vệ lúa Thu Đông

Gia cố đê bao bảo vệ lúa Thu Đông

Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung theo dõi diễn biến mưa, bão, lũ và sinh vật gây hại trên cây trồng, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân được biết để chủ động ứng phó và phòng trừ kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, duy tu, bảo dưỡng các vị trí xung yếu đối với lúa Thu Đông, cây ăn trái và rau màu các loại, có kế hoạch phòng, chống mưa, bão, lũ phù hợp. Đối với diện tích lúa Hè Thu 2018, các địa phương vùng Đồng Tháp Mười tập trung gia cố đê bao, khẩn trương thu hoạch để tránh thiệt hại do mưa, lũ; khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ và khai trổ dẫn nước vào ngâm lũ sau thu hoạch nhằm làm tăng độ phì, hạn chế ngộ độc hữu cơ và không tiếp tục gieo sạ lúa Thu Đông 2018 để tránh thiệt hại do dịch bệnh, mưa, lũ và cắt đứt nguồn sâu, bệnh không để lây lan sang vụ Đông Xuân 2018-2019.

Đối với các huyện phía Nam: Khuyến cáo nông dân xuống giống lúa Thu Đông 2018, mùa 2018-2019 theo khung lịch thời vụ đợt 1 từ ngày 23/8 đến 02/9/2018; đợt 2 từ ngày 20 đến 30/9/2018. Ngoài ra, khi bố trí thời vụ gieo sạ lúa Thu Đông, cần lưu ý xâm nhập mặn cuối vụ lúa Đông Xuân 2018-2019.

Các huyện vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục rà soát những vùng có nguy cơ bị lũ, không an toàn cho sản xuất để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp, thống kê diện tích xuống giống lúa tự phát của nông dân để có giải pháp chỉ đạo sản xuất an toàn; tăng cường cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ các loại cây trồng, để đạt năng suất và chất lượng cao./.

Hải Phong

Chia sẻ bài viết