Các doanh nghiệp tích cực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa nỗ lực sản xuất, kinh doanh
Khôi phục sản xuất
Cùng với cả nước, Long An triển khai các giải pháp mang tính đột phá để phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Để ổn định sản xuất, Công ty (Cty) Cổ phần May xuất khẩu Long An (phường 4, TP.Tân An) triển khai phương án sản xuất, kinh doanh để thích ứng với tình hình mới, bảo đảm nâng cao năng lực sản xuất.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Cty chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như trang bị 7 máy đo thân nhiệt, khẩu trang và phát cho mỗi công nhân 1 chai nước sát khuẩn. Cty còn trang bị 100 bình nước rửa tay đặt tại khu vực nhà vệ sinh. Công tác truyền thông về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế cũng được đẩy mạnh thông qua hệ thống loa phát thanh.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty Cổ phần May xuất khẩu Long An - Phan Thị Thu Hiền cho biết: “Do khó khăn trong xuất, nhập khẩu, không có đơn đặt hàng từ phía đối tác nên Cty cho công nhân, lao động (CNLĐ) ký cam kết tạm hoãn hợp đồng lao động trong thời gian 1,5 tháng và trích nguồn tài chính của Cty hỗ trợ lương tối thiểu vùng cho 300 công nhân. Trước khi CNLĐ tạm nghỉ, Ban Giám đốc cũng gửi thư ngỏ để CNLĐ chia sẻ những khó khăn với Cty và vận động CNLĐ không đi du lịch để bảo vệ sức khỏe, sẵn sàng quay trở lại làm việc khi Cty có đơn hàng mới”.
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ, Công đoàn cơ sở Cty đề xuất Ban Giám đốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ CNLĐ. Cụ thể, Công đoàn hỗ trợ chi phí gửi con cho CNLĐ có con trong độ tuổi từ mầm non đến tiểu học từ tháng 3 đến 5-2020 với tổng số tiền 50 triệu đồng. Công đoàn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn của CNLĐ, nhất là CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh, các đơn hàng bị sụt giảm do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào nhưng với nỗ lực, quyết tâm không ngừng, hiện tình hình sản xuất của Cty ổn định. 100% CNLĐ bị tạm ngưng công việc đều quay trở lại làm việc. Anh Nguyễn Thanh Bình - Công nhân Phân xưởng 1, Cty Cổ phần May xuất khẩu Long An, chia sẻ: “Khi tình hình sản xuất ổn định, Cty kêu gọi công nhân trở lại làm việc nên tôi rất vui. Tôi sẽ cố gắng tăng năng suất lao động để có thu nhập ổn định; đồng thời cùng Cty khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất sau dịch”.
Co.opmart Tân An vừa chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh
Kích cầu tiêu dùng
Vào thời điểm tháng 02/2020, khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, doanh thu của Co.opmart Tân An giảm 15% do ảnh hưởng dịch bệnh và tâm lý khách hàng ngại đến nơi đông người. Các khu kinh doanh bên ngoài khu tự chọn của siêu thị như Nhà sách Fahasa, Cửa hàng Jollibee,… vắng khách nên đề nghị giảm tiền thuê mặt bằng 50% gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của siêu thị. Để bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho thị trường trong mùa dịch, siêu thị xây dựng kế hoạch dự trữ hàng tương đương với lượng hàng dự trữ trong dịp Tết Nguyên đán, tăng 40% so với ngày thường. Trong đó, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng, chống dịch bệnh như gel rửa tay, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa, khẩu trang vải,… được chú trọng và tăng cường cho các điểm bán.
Bên cạnh đó, trong lúc dịch bệnh bùng phát, siêu thị chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như vệ sinh khu vực kinh doanh, các vị trí có tiếp xúc nhiều như tay nắm xe đẩy, mâm kệ hàng ngày; xịt khử khuẩn bên trong và bên ngoài siêu thị định kỳ 1 lần/tuần. 100% nhân viên siêu thị đeo khẩu trang khi phục vụ khách hàng. Siêu thị trang bị dung dịch sát khuẩn tay tại lối vào khu vực tự chọn và đo thân nhiệt cho nhân viên và khách hàng.
Những thông tin phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn của Bộ Y tế được phát hàng ngày trên hệ thống loa phát thanh, màn hình chiếu trong khu vực tự chọn. Siêu thị cũng khuyến khích khách hàng đeo khẩu trang khi đi mua sắm và hạn chế việc tích trữ hàng hóa giữa cao điểm dịch bệnh. Để hạn chế tập trung đông người trong thời gian xảy ra dịch bệnh, khách hàng có thể mua sắm qua điện thoại, siêu thị giao hàng miễn phí (đối với hóa đơn trên 200.000 đồng, bán kính 6km).
Phó Giám đốc Co.opmart Tân An - Nguyễn Thị Hoa Tiên cho biết: Hiện Sài Gòn Co.op nói chung và Co.opmart Tân An nói riêng thực hiện chủ trương và chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ: “Sài Gòn Co.op là một trong các đơn vị phải bảo đảm duy trì hoạt động để phục vụ ổn định đời sống nhân dân trong tất cả các kịch bản có thể có của dịch bệnh cả trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn khôi phục sau dịch”. Theo đó, Co.opmart Tân An tăng cường đặt hàng bổ sung dự trữ đối với các mặt hàng thiết yếu nhằm bảo đảm nguồn hàng cho khách hàng yên tâm mua sắm. Giá bán các mặt hàng không tăng dù giá đầu vào tăng. Đồng thời, Co.opmart Tân An triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng để kích cầu tiêu dùng, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Biến nguy cơ thành thời cơ, củng cố, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng là các giải pháp mà doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh thực hiện sau đại dịch Covid-19. Hiện hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đều thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa nỗ lực sản xuất, kinh doanh nhằm đạt năng suất theo kế hoạch đề ra./.
Quang Nguyên - Huỳnh Hương