Không chỉ các em học sinh trường đó mà ở đâu cũng vậy, nghề giáo, luôn chiếm được cảm tình, được nhiều lựa chọn. Đó là nghề được xã hội tôn vinh, là nghề cao quý trong những nghề cao quý nhất, hay thầy của những người thầy. Bởi đó là nghề đào tạo, dạy dỗ nên những con người có trí tuệ, nhân cách, những chủ nhân tương lai đất nước.
Ảnh: Internet
Thế mà những ngày đầu năm học mới 2016-2017, ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An nghe câu chuyện buồn Trưởng phòng Nội vụ cùng Trưởng và Phó phòng Giáo dục & Đào tạo đã cấu kết sửa điểm thi của thí sinh D trong kỳ thi tuyển viên chức vào ngành giáo dục của huyện năm 2015.
Từ việc cấu kết sửa điểm của những cán bộ này đã làm cho thí sinh D “dở dang” ước mơ làm giáo viên, công việc mà đáng lẽ D đương nhiên được khi là thí sinh đậu số điểm cao nhất trong kỳ thi nhưng lại trở thành rớt; trong khi đó thí sinh khác từ rớt thành đậu.
Việc “sửa điểm” của những vị cán bộ này nó khác hoàn toàn với những việc “sửa nhà” cho người nghèo, hay là “sửa đường” bị hư của nhiều người khác chuyên đi làm việc nghĩa mà chúng ta đã từng nghe.
Với những sai phạm này, huyện đã quyết định kỷ luật, trong đó 2 trưởng phòng bị cách chức. Thí sinh D đã được công nhận lại kết quả thi và được bố trí về công tác ở một trường tiểu học trên địa bàn huyện. Còn thí sinh được nâng đỡ từ rớt thành đậu và đi công tác ở một trường học trong 1 năm qua đã bị thu hồi kết quả.
Nghe thông tin ấy, có lẽ nhiều người sẽ vui, nhưng có lẽ cũng không ít nỗi buồn. Vui vì D sẽ được làm giáo viên như từng mong muốn mà không phải đi làm công nhân may như 1 năm qua trong nỗi ấm ức khó nói. Vui vì ngành chức năng đã có quyết định rất quyết đoán xử lý nghiêm những cán bộ sửa điểm. Vui vì việc làm này sẽ là sự răn đe, cũng như củng cố niềm tin trong người dân, nhất là đối với những người sắp tới đây sẽ thi tuyển vào ngành giáo dục huyện Bến Lức…
Nhưng buồn vì trong cuộc sống lại có những cán bộ như thế; dù những cán bộ này cũng chỉ là con số nhỏ mà thời gian qua bị xử lý vì những sai phạm khác nhau. Bên cạnh niềm vui thì có thể sự việc cũng ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của D về sau; không những vậy cũng ảnh hưởng đến người bị thu hồi kết quả.
Nhưng một nỗi buồn lớn hơn đó là việc làm của những cán bộ này đã làm ảnh hưởng đến lòng tin về “tuyển dụng”, “thi cử”.
Chưa hiểu việc làm của những cán bộ này có phải là chủ ý để vụ lợi hay là có chuyện khó nói nào khác, nhưng dù thế nào đi nữa việc cấu kết sửa điểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người khác, chất lượng thi tuyển là không thể có gì biện minh được.
Ảnh: Internet
Vì thế mức kỷ luật mà huyện Bến Lức đưa ra đã phần nào lấy lại niềm tin của dư luận. Việc xử lý nghiêm minh này còn có giá trị lớn khi tạo niềm tin cho những thí sinh khác rồi đây sẽ thi vào ngành giáo dục ở huyện Bến Lức với mong muốn làm giáo viên để đào tạo ra những thế hệ học sinh có tài, lẫn đức…
Giờ đây, khi đã nhận mức kỷ luật cách chức, những cán bộ này có nghĩ lại những việc đã làm để hối lỗi; họ có nghĩ đến những nỗi buồn, cay đắng của thí sinh D trong hơn một năm trời đi làm công nhân. Nếu như con cái họ đi thi cử bị ai đó sửa điểm từ đậu thành rớt thì họ sẽ nghĩ gì, phản ứng thế nào?.
Cuộc sống đôi khi vẫn còn những chuyện buồn như bao che vi phạm, chạy chức, chạy quyền, chạy điểm… làm hao mòn niềm tin, dấy lên sự bất bình. Nhưng ở cuộc sống vẫn luôn có những hành động, việc làm tốt, nghĩa tình, tử tế và còn có cả những sự quyết tâm xử lý nghiêm vi phạm, dù bất kể người đó là ai… và đã chiếm được nhiều lòng tin.
Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, loại bỏ những người suy thoái ra bộ máy công quyền như trường hợp những cán bộ “sửa điểm” ở huyện Bến Lức là việc làm rất thiết thực để gây dựng niềm tin cuộc sống, vào một xã hội tốt đẹp.
Liên quan đến chuyện thi cử, tuyển dụng, thu hút người giỏi vào làm việc, chúng ta nhớ lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ mới đây là “tìm người tài, không tìm người nhà”./.
Lam Hồng