Tiếng Việt | English

12/12/2016 - 09:17

Vui, buồn sinh viên ở trọ xa nhà

Trọ học có lẽ là khoảng thời gian mà hầu như sinh viên xa nhà nào cũng từng trải qua. Ở đó, các bạn bắt đầu cuộc sống tự lập với những buồn, vui, va vấp và nhiều bài học để đời.


Các bạn sinh viên làm việc nhóm cùng nhau

Buồn có...

Quê ở Vĩnh Long, từ khi đến học tại Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, Nguyễn Minh Trí (sinh viên năm 3) phải chuyển chỗ trọ 4 lần. Hiện nay, Trí đăng ký vào ở tại ký túc xá của trường để bảo đảm an ninh. 3 năm ở trọ, không ít lần Trí bị mất cắp, từ những thứ linh tinh: Quần áo, bột giặt, xô chậu,... đến những vật dụng có giá trị: Laptop, máy ảnh.

Trí nói: “Có lần, em thuê trọ trong khu trọ công nhân. Ban ngày, mọi người đi làm hết, em và bạn chỉ vào trường khoảng 30 phút trở về là phòng trọ bị trộm cắt khóa, các vật dụng có giá trị đều mất sạch”. Dẫu biết trong ký túc xá không có nhiều không gian riêng tư, lại không được nấu ăn nhưng Trí vẫn đăng ký vào ở vì an ninh được bảo đảm.

Trọ học xa nhà, các bạn sinh viên phải bắt đầu cuộc sống tự lập. Điều đó đồng nghĩa các bạn phải đối diện với nhiều cám dỗ mà trước đây chưa từng gặp. Thoát khỏi sự “kìm kẹp” của gia đình, không ít bạn sa vào những thú vui không lành mạnh. N.T.Đ - sinh viên Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An kể, thiếu sự quản lý của gia đình, Đ. nghiện game. Những ngày tháng “miệt mài cày game”, Đ. học hành sa sút, nợ nần, sức khỏe suy giảm. May mắn là Đ. kịp nhận ra những sai lầm của mình và quyết tâm sửa đổi. Năm thứ 2 đại học, Đ. đăng ký tham gia sinh viên tình nguyện hè. Từ khi tham gia sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, Đ. từ bỏ được trò chơi ảo, chấn chỉnh việc học hành.


Các bạn sinh viên chuẩn bị cho buổi đi làm thêm của mình

Nhưng không phải sinh viên nào cũng có thể sớm nhận ra những sai lầm của mình và khắc phục được như Đ. Trường hợp của N.T.N - sinh viên Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An khiến cha mẹ buồn lòng, thầy cô, bạn bè tiếc nuối. Vì xem nặng chuyện tình cảm mà T. bỏ dở sự cố gắng của bản thân suốt 12 năm học, bỏ qua cả sự kỳ vọng của cha mẹ để quay về quê ở thị xã Kiến Tường chỉ vì... bạn trai bỏ học.

Buồn, vui quanh chuyện làm thêm của sinh viên cũng không ít. Lê Thị Mỹ Trinh - sinh viên Trường Trung cấp Y tế Long An có những ngày trọ học đầy vất vả khi sáng học, chiều làm thêm. Trinh làm đủ các nghề, từ nhân viên phục vụ, bán hàng,... Chỉ với chiếc xe đạp cọc cạch, có thời gian, Trinh đạp xe đến tận Tiền Giang để làm thêm. Những bữa cơm thất thường, cuộc sống đối diện với khó khăn về tài chính cũng là một trong những điều thường thấy của sinh viên. Lê Thị Vẹn, quê ở huyện Tân Hưng cho biết, thực đơn quen thuộc của các bạn vẫn là khô, trứng và mì gói. Để tiết kiệm chi phí, các bạn thường tự mình đi chợ, nấu ăn, dù là nam hay nữ. Như Trí, sau 3 năm trọ học, có thể tự chuẩn bị cho mình một bữa cơm 3 món đầy đủ dinh dưỡng và tiết kiệm.


Ở trọ xa nhà nên các bạn phần lớn đều trở thành “đầu bếp” cho chính mình

Ở trọ xa nhà, sinh viên thường đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng cũng có lắm niềm vui. Đây cũng là khoảng thời gian các bạn tự rèn cho mình kỹ năng sống để có thể vững tin vào tương lai.

Vui có

Và từ trong những vất vả ấy, các bạn sinh viên biết cách khắc phục khó khăn. Nguyễn Hữu Đức - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An cho biết, Đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động, câu lạc bộ (CLB) cho sinh viên như: CLB kỹ năng, CLB văn nghệ, CLB ghita,... Ở đó, các bạn có thể tham gia các hoạt động tập thể, phát huy tài năng, năng khiếu. Bên cạnh đó, việc học và làm việc nhóm cũng là một trong những hoạt động thường xuyên, bổ ích của sinh viên.

Đức nói: “Hầu như các môn học đều đòi hỏi chúng em phải làm việc nhóm với nhau. Cuộc sống trọ xa nhà thêm vui và ấm áp vì luôn có bạn bè bên cạnh lúc vui, buồn, cùng nhau học tập và thực hiện những mơ ước tương lai”. Như đôi bạn Bùi Luyến Hoài Thương và Phạm Thị Cẩm Oanh, cùng nhau xây dựng một cơ sở bán bánh tráng từ khi còn là sinh viên trọ học xa nhà. Chung ý tưởng và cùng nhau thực hiện, sau khi tốt nghiệp, 2 bạn có cho mình thương hiệu bánh tráng “Hai đứa nhỏ” khá nổi tiếng trong làng sinh viên tại TP.Tân An và phân phối hầu hết cho các hàng quán phục vụ độ tuổi teen tại Tân An.

Không phải bạn trẻ nào cũng được như Thương và Oanh nhưng các bạn cũng có cho mình những thành công nhất định, như Phạm Thị Thắm, quê ở Đức Hòa. Sau thời gian vừa học, vừa làm vất vả, Thắm dành dụm mua cho mình chiếc xe máy (với sự hỗ trợ của gia đình), kết thúc những ngày di chuyển bằng xe bus hoặc đi nhờ bạn bè. Chỉ nhiêu đó thôi, Thương, Oanh, Thắm cũng có cho mình một thời sinh viên đáng nhớ.

Trọ học xa nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình lại eo hẹp về kinh phí nên sân chơi dành cho các bạn hầu như cũng không nhiều. Sau giờ học, giờ làm, các bạn chọn cho mình cách lên thư viện hoặc cùng nhau ăn uống những món hết sức sinh viên hay tự mình mở tiệc tại phòng trọ cho tiết kiệm.

Nhằm tạo sân chơi cho các bạn sinh viên, tổ chức Đoàn của các trường chủ động phối hợp Đoàn địa phương tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao nhằm thu hút sinh viên tham gia. Anh Nguyễn Thế Vinh - Phó Bí thư Đoàn phường 5 cho biết: “Mỗi năm, Đoàn trường Cao đẳng Nghề thường phối hợp Đoàn phường 5 tổ chức các hoạt động: Đá bóng, ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường từ 2-3 lần để thu hút sinh viên tham gia. Ngoài ra, Đoàn phường cũng thường xuyên tuyên truyền đến các bạn sinh viên ở trọ về kiến thức pháp luật, tệ nạn ma túy,...”.

Ở trọ xa nhà, sinh viên thường đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng cũng có lắm niềm vui. Đây cũng là khoảng thời gian các bạn tự rèn cho mình kỹ năng sống để có thể vững tin vào tương lai./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích