Tiếng Việt | English

17/10/2015 - 11:20

Long An

Vùng biên khởi sắc

Đời sống người dân vùng biên giới trước đây còn nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhất là hệ thống giao thông nông thôn. Nhưng những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, diện mạo các xã biên giới ngày càng khởi sắc, đời sống người dân vùng biên dần ổn định và từng bước được nâng lên.


Nhân dân trên vùng biên giới khai thác thủy sản trên các tuyến kênh

Được đầu tư hạ tầng

Được hỗ trợ 1 tỉ đồng từ chương trình 135, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Kết hợp với các nguồn vốn khác, xã tổ chức nạo vét kênh mương, phục vụ tốt việc tưới, tiêu. Đồng thời, nâng cấp một số tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn. Trạm y tế, trường học cũng được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới.

Anh Hồ Chí Hướng, ngụ ấp Cây Me, xã Hưng Điền cho biết: “Những năm qua, hệ thống đường giao thông và thủy lợi được xã đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa. Gia đình tôi trước đây thuộc hộ nghèo của xã, được địa phương tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng với lãi suất thấp, tôi dùng số tiền đó đầu tư buôn bán, chăn nuôi heo, gà. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước”.

Tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, tạo bộ mặt mới cho xã biên giới. Toàn xã có 99% hộ dân sử dụng điện, trên 90% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới, xã đã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, các đường liên ấp (20,4km) đều được rải đá xanh và sỏi đỏ theo chuẩn nông thôn mới. Hệ thống kênh mương cũng được nạo vét tạo điều kiện cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Hiện, xã đang đầu tư xây dựng 5 cầu giao thông, với trọng tải 5 tấn trở lên, giúp xe ô tô có thể lưu thông đi các ấp.

Chăm lo đời sống người dân

Song song với việc được đầu tư cơ sở vật chất, công tác chăm lo đời sống cho người dân vùng biên cũng được chú trọng. Các xã biên giới thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn,…


Chăn nuôi bò ở vùng biên giúp người dân phát triển kinh tế

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ - Nguyễn Tấn Đạt chia sẻ: Trong nhiệm kỳ qua, xã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, theo đó, diện tích sản xuất lúa hàng năm đều tăng. Bên cạnh cây lúa, xã còn có 130ha chanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm thứ 4 trở đi, có thể đạt lợi nhuận 150 triệu/ha/năm. Trong thời gian tới, xã sẽ thành lập tổ kinh tế hợp tác trồng chanh .

Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện để người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Toàn xã hiện có 20 tổ vay vốn, mỗi hộ được xét vay từ 15 - 30 triệu đồng trong thời gian 3 năm. Song song đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng ban, ngành, đoàn thể còn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng nhà cho gia đình chính sách, người dân gặp khó khăn về nhà ở, giúp họ an cư lạc nghiệp, tập trung lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. 

Từ các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đã làm cho diện mạo nông thôn các xã biên giới thêm khởi sắc, đời sống người dân ngày càng ổn định, phát triển. Đây chính là tiền đề quan trọng để các xã biên giới tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong những giai đoạn tiếp theo./.

Lực Nguyễn - Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết