Tiếng Việt | English

29/03/2018 - 01:20

Vùng sâu khởi sắc

Là xã vùng sâu của huyện Bến Lức, tỉnh Long An, việc phát triển KT-XH của Thạnh Hòa còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương có nhiều thay đổi, nhất là đường giao thông nông thôn (GTNT).

Tập trung làm đường giao thông

Ông Nguyễn Thái Tôn, ngụ ấp 2, xã Thạnh Hòa, phấn khởi: “Trước đây, tuyến đường giao thông dẫn vào bến phà trong ấp đi lại vô cùng khó khăn. Khi chính quyền có chủ trương bêtông hóa, chúng tôi đồng thuận góp công, góp của để thực hiện. Nhờ đó, hiện tại, việc đi lại của người dân dễ dàng hơn; sản xuất, giao thương cũng thuận lợi”.

Tuyến đường dẫn vào bến phà ấp 2 được bêtông giúp người dân đi lại dễ dàng hơn

Tuyến đường dẫn vào bến phà ấp 2 được bêtông giúp người dân đi lại dễ dàng hơn

Xác định xây dựng GTNT là đòn bẩy thúc đẩy KT-XH phát triển, Đảng ủy, UBND xã nỗ lực triển khai, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thời gian qua, ngoài vốn đầu tư của Nhà nước, địa phương vận động người dân hiến đất, công trình kiến trúc, hoa màu, góp tiền, ngày công lao động,... để xây dựng GTNT. Riêng năm 2017, xã tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, mạnh thường quân và người dân đóng góp trên 3 tỉ đồng, xây dựng nhiều công trình GTNT: Đường Bà Kiểng (bờ Nam) đến đường Rạch Chiếc (bờ Bắc); đường giao thông liên ấp T4 đến Cụm dân cư vượt lũ ấp 2; tuyến đường liên xóm dẫn vào bến phà ấp 2; lộ Bà Kiểng ấp 4;...

Nhờ sự đồng thuận của người dân, đến nay, hầu hết đường trục xã được nhựa hóa, bêtông hóa; đường trục ấp, liên ấp, trục chính nội đồng được cứng hóa đạt trên 50%. “Trong quá trình xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và GTNT nói riêng, kinh nghiệm chủ yếu của chúng tôi là vận động người dân đóng góp cùng Nhà nước thực hiện. Muốn người dân đồng thuận cao, chúng tôi phải công khai, minh bạch các nguồn thu và những đóng góp, giải thích rõ về mục đích, lợi ích thiết thực khi công trình được xây dựng” - Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hòa - Lê Văn Nam chia sẻ.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế

Ông Vũ Ngọc Báu, ngụ ấp 6, xã Thạnh Hòa, nhớ lại, trước đây, vùng đất này nhiễm phèn, trồng lúa không được, còn trồng khóm, khoai mì và mía hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2005, ông chuyển sang trồng chanh không hạt Limca có xuất xứ từ Mỹ. Nhờ đó, kinh tế gia đình khá hơn, có điều kiện nuôi con học hành, tạo việc làm cho nhiều lao động trong ấp. “Cũng nhờ chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật cùng với đầu tư hệ thống đường GTNT, thủy lợi nội đồng nên người dân tháo chua, rửa phèn, trồng chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế”.

Giao thông thông thoáng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy KT-XH phát triển

Giao thông thông thoáng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy KT-XH phát triển

Ngoài 6ha chanh không hạt, ông Đỗ Văn Mạnh, ngụ ấp 6, còn trồng thêm 2ha thanh long ruột đỏ, có thu nhập gần 1 tỉ đồng/năm cho gia đình. “Trước đây, đường sá nhỏ, hẹp, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản. Nay, các tuyến đường trong ấp được nâng cấp, mở rộng, trải đá xanh, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng, thương lái không còn ép giá” - ông Mạnh chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Nam, đến nay, xã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, giữ vững các tiêu chí đã đạt, xã tiếp tục huy động nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng các tuyến đường còn lại, nhằm đạt tiêu chí về GTNT theo kế hoạch; phấn đấu về đích nông thôn mới trước năm 2020.

Những tuyến đường GTNT hoàn thành và đưa vào sử dụng không những làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH địa phương./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết