Tiếng Việt | English

24/01/2022 - 19:23

WHO kêu gọi các nước hợp tác chấm dứt đại dịch COVID-19

Tổng Giám đốc Ghebreyesus nhấn mạnh chúng ta không thể để COVID-19 tiếp tục kéo dài dai dẳng cũng như không thể để tiếp diễn vòng luẩn quẩn giữa sự lo sợ và thái độ phớt lờ.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 24/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước hợp tác cùng nhau để chấm dứt giai đoạn nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh rằng các nước đã có sẵn tất cả công cụ để thực hiện mục tiêu đó.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng Bộ trưởng Phát triển của Đức Svenja Schulze, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nhấn mạnh: “Hiện đại dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba và chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng. Chúng ta phải làm việc cùng nhau để chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch này. Chúng ta không thể để COVID-19 tiếp tục kéo dài dai dẳng cũng như không thể để tiếp diễn vòng luẩn quẩn giữa sự lo sợ và thái độ phớt lờ."

Người đứng đầu WHO cũng thông báo Đức đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho tổ chức này. Trong lịch sử, Mỹ từng là quốc gia có đóng góp tài chính hàng đầu cho WHO trong số gần 200 quốc gia thành viên trực thuộc.

Về phần mình, Bộ trưởng Schulze nêu rõ ưu tiên hàng đầu của Đức là chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới. Bà cũng kêu gọi các nước trên thế giới tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 một cách thực chất, qua đó hiện thực hóa mục tiêu nói trên.

Trước thềm Năm mới 2022, Tổng Giám đốc WHO đã lạc quan đánh giá giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch có thể chấm dứt vào năm 2022. Ông cho rằng việc thoát khỏi cuộc khủng hoảng này sẽ phụ thuộc một phần vào việc thế giới tuân thủ “Nghị quyết Năm mới," theo đó tiêm phòng cho 70% dân số của tất cả các quốc gia từ nay cho đến tháng 7/2022.

Ngoài ra, một lần nữa ông khẳng định chấm dứt bất bình đẳng trong tiếp cập dịch vụ y tế vẫn là chìa khóa để chấm dứt đại dịch.

Theo số liệu của trang thống kê worldometers.info, kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận tổng cộng 352.243.894 ca mắc, trong đó có 5.615.101 ca tử vong.

Trong hai năm vừa qua, nhiều biến thể của chủng virus ban đầu SARS-CoV-2 đã xuất hiện, trong đó có 2 biến thể đáng lo ngại là Delta và Omicron; cùng 10 biến thể đang được theo dõi như Alpha, Beta, Gamma…

Trong lịch sử, chưa từng có loại vaccine nào được điều chế và phát triển nhanh như các loại vaccine ngừa COVID-19. Đã có 23 loại vaccine khác nhau được cấp phép sử dụng trên khắp thế giới và hàng trăm loại vaccine ngừa COVID-19 khác đang được nghiên cứu, phát triển./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết