Sự đồng thuận của người dân
Xã Hòa Phú, huyện Châu Thành là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả việc XHH xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao. TTVHTT&HTCĐ xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn vào năm 2014, với tổng kinh phí 2,7 tỉ đồng. Các NVH ấp: 1, 3, 4 và 5 đều do nhân dân hiến đất, với tổng diện tích trên 2.000m2. Riêng NVH ấp 2 xây dựng trên phần đất công.
Các nhà văn hóa ấp tại xã đạt chuẩn nông thôn mới phục vụ tốt nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ và thể thao của người dân
Từ năm 2015 đến nay, xã tập trung sửa chữa, nâng cấp các NVH: Xây dựng hàng rào, nhà tiền chế, sơn, lót gạch,... với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 500 triệu đồng. Việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa được xã tập trung thực hiện hiệu quả, từng bước đi vào nền nếp, thu hút đông đảo người dân tham gia. Xã còn thực hiện XHH việc quản lý, bảo đảm vệ sinh TTVHTT&HTCĐ bằng việc phát huy vai trò làm chủ của người dân, cán bộ ban, ngành, đoàn thể xã, ấp.
Ông Đinh Văn Tám, ngụ ấp 5, xã Hòa Phú, chia sẻ: “NVH ấp phát huy hết công năng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chi, tổ hội, ban, ngành, đoàn thể ấp tổ chức hội họp, tiếp xúc cử tri, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Khi được vận động nâng cấp, sửa chữa, người dân đều đồng tình ủng hộ, người góp tiền, kẻ góp công xây dựng. Đến nay, NVH ấp có hàng rào, nhà bếp, nhà vệ sinh, có sân bãi rộng rãi, thoáng mát”. Trung bình mỗi tháng, mỗi NVH ấp tổ chức 10 cuộc hội, họp.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn: “Có được kết quả trên là do địa phương phát huy vai trò làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” trong thực hiện các thiết chế văn hóa. Khi vận động người dân đóng góp đất, công sức, tiền bạc, vật liệu,... được bao nhiêu thì xây dựng bấy nhiêu, nâng cấp, sửa chữa từng công đoạn. Đến nay, các NVH, thiết chế văn hóa phục vụ tốt nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và thể thao của nhân dân. Đề nghị cấp trên xem xét lại việc quy định NVH ấp phải có diện tích tối thiểu 500m2, chỉ nên quy định NVH ấp có đủ diện tích phục vụ nhu cầu hội họp, sinh hoạt của nhân dân”.
Thời gian tới, xã tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhân dân; thực hiện tốt việc huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa, đặc biệt phát huy hiệu quả sử dụng sân thể dục - thể thao xã.
Phát huy hết công năng
Tại xã NTM Tân Tây, huyện Thạnh Hóa và Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, TTVHTT&HTCĐ xã và NVH ấp đều hoạt động hiệu quả, phát huy hết công năng các thiết chế văn hóa. Công tác XHH xây dựng cơ sở văn hóa, thể thao được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ông Phạm Văn Thức, ngụ ấp 4, xã Tân Tây, chia sẻ: “Xã có nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ thì đời sống tinh thần của người dân mới được nâng lên. Vì vậy, ngoài vận động mạnh thường quân là kiều bào xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, thời gian qua, tôi còn vận động hơn 100 triệu đồng hỗ trợ xã xây dựng các thiết chế văn hóa”.
Toàn xã Tân Tây có 5/5 ấp có NVH. Mỗi NVH ấp được xây dựng với kinh phí từ 60-70 triệu đồng. Riêng NVH ấp 5 được hỗ trợ xây dựng từ nguồn kinh phí Về nguồn nên khang trang hơn, với số tiền trên 120 triệu đồng. Việc sinh hoạt của Câu lạc bộ Văn nghệ trao đổi về mô hình “Kinh tế hộ gia đình”, hội họp của các chi, tổ hội, ban, ngành, đoàn thể đều tổ chức tại NVH ấp. Hoạt động thể dục - thể thao (bóng đá, bóng chuyền) cũng được tổ chức thường xuyên tại TTVHTT&HTCĐ xã.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ xã Tân Tây - Nguyễn Văn Hoàng bày tỏ: “CLB tổ chức sinh hoạt luân phiên tại ấp 1, 3 và 4. Địa phương có NVH thì hoạt động văn hóa - văn nghệ được tổ chức thuận lợi. Hiện tại, CLB Văn nghệ không chỉ thu hút người dân trong xã mà còn có người dân ở các xã bạn tham gia: Thủy Đông, thị trấn Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa); Mỹ An, Mỹ Phú, Long Thạnh (huyện Thủ Thừa)”.
Còn ở xã Khánh Hưng, công tác XHH xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao được sự đồng thuận cao của người dân. Toàn xã có 5/5 ấp có NVH được xây dựng đạt tiêu chí NTM.
Từ sự đồng thuận của nhân dân, sự thống nhất của các cấp lãnh đạo, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, công tác XHH về xây dựng thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng - Nguyễn Thanh Toàn thông tin: “Mỗi NVH ấp được xây dựng với kinh phí từ 20-30 triệu đồng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó, nhân dân đóng góp khoảng 40%. Riêng TTVHTT&HTCĐ xã được xây dựng từ nguồn kinh phí nhân dân đóng góp xây dựng cụm dân cư (tổng kinh phí 700 triệu đồng). Các hoạt động: Bóng đá, bóng chuyền, tennis,... đều được tổ chức trong khuôn viên TTVHTT&HTCĐ xã. Nơi đây còn giúp CLB Đờn ca tài tử xã sinh hoạt vào ngày 15 và 30 hàng tháng thuận lợi hơn. Các NVH ấp đều được trang bị âm thanh, ánh sáng nên dự kiến, CLB Đờn ca tài tử sẽ tổ chức luân phiên ở các ấp nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa - văn nghệ của người dân”.
Các giải đấu thể thao quần chúng tạo đà cho phong trào thể dục - thể thao tỉnh nhà ngày càng phát triển
Thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo nên bộ mặt văn hóa ở nông thôn. Vì vậy, khi xây dựng xã NTM, các địa phương không chỉ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, cảnh quan môi trường mà cần chú trọng xây dựng những công trình văn hóa, thể thao. Khi ngân sách nhà nước còn khó khăn thì việc huy động mọi nguồn lực xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa là giải pháp thiết thực hiện nay./.
Địa phương phát huy vai trò làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” trong thực hiện các thiết chế văn hóa. Khi vận động người dân đóng góp đất, công sức, tiền bạc, vật liệu,... được bao nhiêu thì xây dựng bấy nhiêu, nâng cấp, sửa chữa từng công đoạn. Đến nay, các nhà văn hóa, thiết chế văn hóa phục vụ tốt nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và thể thao của nhân dân.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn |
Ngọc Mận