Ảnh minh họa. (Nguồn: medicalnewstoday)
Khả năng diệt vi khuẩn của các loại xà phòng rửa tay kháng khuẩn có chứa hóa chất "triclosan" không hiệu quả hơn so với các loại xà phòng thông thường.
Đây là kết quả nghiên cứu do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố trên Tạp chí Hóa học trị liệu kháng vi trùng (JAC) ngày 15/9.
Theo các chuyên gia, hóa chất triclosan lâu nay là một trong những thành phần phổ biến nhất trong các loại xà phòng kháng khuẩn, được hàng triệu người tiêu dùng sử dụng và mang về doanh thu hàng năm lên tới 1 tỷ USD chỉ riêng tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu từng cho rằng loại xà phòng chứa loại hóa chất được cảnh báo nguy hiểm này có thể gây ra vấn đề về rối loạn hormone và có ít tác dụng kháng khuẩn đối với người sử dụng.
FDA đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện rằng trong hoạt động rửa tay thông thường, tác dụng diệt khuẩn của xà phòng có chứa triclosan không có sự khác biệt đáng kể nào so với các loại xà phòng thường.
Để đánh giá khả năng diệt khuẩn của triclosan, nhóm nghiên cứu đã để 20 chủng vi khuẩn nguy hiểm (bao gồm khuẩn Escherichia coli, Listeria monocytogenes và Salmonella enteritidis) trong các đĩa thủy tinh Petri với dung dịch xà phòng kháng khuẩn chứa triclosan và xà phòng thường.
Các mẫu thí nghiệm này được làm nóng ở nhiệt độ 22 hoặc 40 độ C, để dung dịch trong nước ấm hoặc nóng trong vòng 20 giây - thời gian rửa tay đúng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhóm nghiên cứu sau đó bôi vi khuẩn này lên tay của 16 người lớn đã ngừng sử dụng xà phòng kháng khuẩn ít nhất trong tuần trước khi tham gia thí nghiệm. Sau đó, họ được yêu cầu rửa tay trong vòng 30 giây sử dụng xà phòng kháng khuẩn hoặc xà phòng thường với nước ở nhiệt độ 40 độ C.
Trong tất cả các thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu sử dụng xà phòng kháng khuẩn chứa 0,3% triclosan (mức tối đa được sử dụng tại Liên minh châu Âu, Canada, Australia, Trung Quốc và Nhật Bản).
Nghiên cứu cho thấy loại xà phòng chứa triclosan chỉ phát huy tác dụng diệt khuẩn sau khi vi khuẩn đã được ngâm trong dung dịch này tới 9 giờ đồng hồ.
Ở thời điểm ít hơn 6 giờ, tác dụng diệt vi khuẩn của hai loại xà phòng hầu như không có khác biệt. Trong khi đó, 9 giờ đồng hồ được coi là khoảng thời gian quá lâu đối với việc rửa tay.
Từ kết quả này, các nhà nghiên cứu cho rằng người tiêu dùng nên ý thức rằng các loại xà phòng kháng khuẩn không có tác dụng bảo vệ họ khỏi vi trùng đúng như quảng cáo./.
Theo Vietnam+