Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 14:29

Xây dựng mô hình hiệu quả trong sản xuất chanh

Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả trong sản xuất chanh huyện Bến Lức và huyện Thạnh Hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP” do Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai từ 2012-2014, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại làm chủ nhiệm đề tài.

Chanh là loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, một trong số ít những loại cây trồng có khả năng thích nghi và sinh trưởng tốt ở vùng đất phèn. Nghề trồng chanh đã và đang đem lại nguồn thu nhập chính của nhiều nông hộ của tỉnh Long An. Diện tích chanh của tỉnh đã đạt trên 3.000ha. Trong đó, huyện Bến Lức có đến 2.540ha, trong đó xã Thạnh Hòa với diện tích trồng chanh lớn nhất 1.208ha. Tại huyện Thạnh Hóa diện tích chanh khoảng 50ha được tập trung ở xã Thuận Bình.

Qua 2 năm triển khai, kết quả đã đạt là quy trình sản xuất chanh theo VietGAP, sổ tay hướng dẫn thực hành cây chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, tài liệu hệ thống quản lý chất lượng nhóm sản xuất VietGAP, tiêu chuẩn cơ sở chất lượng quả tươi của chanh không hạt, 2 mô hình sản xuất chanh với diện tích 60ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất trung bình năm 2014 của các vườn chanh trong 2 mô hình sản xuất chanh theo VietGAP của huyện Thạnh Hóa và Bến Lức đều tăng từ 20,58 - 21,61% so với năng suất trung bình của năm 2012.

Nhu cầu thị trường được mở rộng, thị trường tiêu thụ và giá bán sản phẩm chanh tương đối cao, giá chanh có hạt dao động từ 4.000 - 15.000 đ/kg, chanh không hạt từ 11.000 - 30.000 đ/kg, lợi nhuận bình quân từ 100 - 200 triệu đồng/ha. HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa (Bến Lức) gồm 15 hộ với tổng diện tích 35ha và HTX sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình (Thạnh Hóa) gồm 8 hộ với tổng diện tích 25ha đã được Cty Cổ phần Giám định và khử trùng FCC đánh giá và cấp chứng nhận tuân thủ theo Quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và có hiệu lực từ ngày 20-9-2014 - 19-9-2016.

Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ cây trồng theo quy trình VietGAP, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm và sử dụng vật tư có hiệu quả, nhưng hiệu quả lớn nhất là sản xuất ra sản phẩm an toàn, đáp ứng được nhu cầu khắc khe của thị trường, đồng thời nhân rộng mô hình. VietGAP là thành công nhưng tổ hợp tác cần phải hoàn thiện hơn để 2 năm sau đủ điều kiện tái chứng nhận VietGAP và xa hơn là đủ sức cạnh tranh với các đơn vị sản xuất khác, vì trong tương lai xu hướng sản xuất theo hướng GAP rất thịnh hành./.

Sở KH&CN

Chia sẻ bài viết