Các cơ quan, đơn vị nên treo, dán các bảng nội quy, biển cấm hút thuốc lá ở nơi dễ thấy
Phóng viên (PV): Thưa bà, vì sao việc xây dựng môi trường không khói TL là quan trọng và cần thiết?
Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Xây dựng môi trường không khói TL là quan trọng và cần thiết vì giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc chủ động và thụ động với khói TL, qua đó giúp giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho việc khám, chữa các bệnh liên quan đến sử dụng TL.
Môi trường không khói TL sẽ giúp người không hút TL giảm được nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói TL, vì vậy sẽ giảm được nguy cơ bệnh tật và tử vong có liên quan đến sử dụng TL.Điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám, chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ bệnh, mất thu nhập do các căn bệnh liên quan đến TL.
Môi trường không khói TL còn giúp người không hút TL được hít thở bầu không khí trong lành, không có khói TL; giúp những người nghiện TL có thêm quyết tâm bỏ TL hoặc giảm mức độ hút TL. Chi tiêu cho TL sẽ dành cho các khoản chi tiêu có lợi hơn như thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa,…
Môi trường không khói TL còn hạn chế được các nguy cơ cháy, nổ; giảm chi phí cho vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ.
PV: Dựa trên căn cứ nào để xây dựng môi trường không không khói TL, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Hiện có nhiều văn bản quy phạm pháp luật để làm căn cứ xây dựng môi trường không khói TL tại cơ quan, đơn vị, trường học, phương tiện giao thông công cộng,... như Hiến pháp và luật về quyền con người; Công ước khung về Kiểm soát TL của Tổ chức Y tế Thế giới; Luật Phòng, chống tác hại của TL có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Chỉ thị 14/CT-UBND, ngày 16/6/2016 của UBND tỉnh Long An và một số văn bản quy phạm pháp luật khác theo chuyên ngành.
PV: Bà có thể chia sẻ các bước xây dựng môi trường không khói TL tại cơ quan, đơn vị, trường học,…?
Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Có 6 bước để xây dựng môi trường không khói TL tại cơ quan, đơn vị, trường học,… như sau:
Bước 1: Thành lập ban chỉ đạo, thành phần gồm đại diện lãnh đạo cơ quan, Đảng, Công đoàn,... Nhiệm vụ là chỉ đạo việc xây dựng và phê chuẩn nội quy, quy chế; phân công trách nhiệm, công việc cụ thể cho từng cán bộ; chỉ đạo việc thực hiện, giám sát và đánh giá; quy định khen thưởng, xử phạt.
Bước 2: Khảo sát thực trạng đơn vị trước khi triển khai. Ví dụ như thực trạng sử dụng TL trong cán bộ, nhân viên tại đơn vị? Nhóm đối tượng nào có tỷ lệ sử dụng TL cao trong cơ quan? Thực trạng sử dụng TL của khách đến làm việc; nhận thức của nhân viên về tác hại của TL; Cơ quan có hệ thống biển báo cấm hút TL?...
Bước 3: Xây dựng nội quy và kế hoạch thực hiện. Nội quy nên ghi rõ quy định cấm hút TL tại các khu vực trong nhà của cơ quan; quy định về biện pháp phạt những người vi phạm; quy định về việc cấm nhận tài trợ của các công ty TL dưới mọi hình thức;… Nội dung kế hoạch thực hiện nên gồm: Tên từng hoạt động cụ thể; thời gian triển khai, hoàn thành đối với mỗi hoạt động; cán bộ/phòng ban chịu trách nhiệm thực hiện; kết quả mong đợi/chỉ số đánh giá; kinh phí triển khai hoạt động; những hình thức hỗ trợ, khen thưởng cho người hút muốn bỏ TL, xử lý người vi phạm.
Bước 4: Phổ biến nội quy cho các bộ, nhân viên bằng cách: Thông báo tại cuộc họp giao ban lãnh đạo cơ quan; gửi văn bản tới các phòng, ban; thông báo trong các cuộc họp của các phòng, ban; niêm yết nội quy tại phòng bảo vệ, phòng khách.
Bước 5: Triển khai các hoạt động hỗ trợ: Tổ chức Lễ phát động hưởng ứng xây dựng cơ quan không khói TL; gắn biển báo cấm hút TL; loại bỏ khỏi phòng làm việc các vật dụng liên quan đến TL như gạt tàn, bật lửa,...; tuyên truyền về tác hại của TL; tập huấn cho các cán bộ được phân công nhiệm vụ giám sát về kỹ năng truyền thông, giám sát, tư vấn và nhắc nhở người vi phạm, đánh giá và viết báo cáo…; tổ chức thi đua giữa các phòng, ban về bỏ TL với các hình thức khen thưởng, xử phạt...; cập nhật và phổ biến nội dung các văn bản của Nhà nước về phòng, chống tác hại của TL cho cán bộ, nhân viên; tổ chức các cuộc thi viết bài, xây dựng tiểu phẩm nói về tác hại của TL và các phương pháp bỏ TL.
Bước 6: Giám sát và đánh giá như: Giám sát hệ thống biển báo cấm hút TL, nội quy/quy định tại các phòng làm việc, hành lang của tòa nhà; biển báo cấm hút TL có được gắn tại các vị trí dễ thấy; có gạt tàn TL, đầu mẩu TL tại nơi làm việc; có cán bộ nhân viên, khách đến liên hệ còn hút TL nơi làm việc; xử lý bao nhiêu trường hợp, hình thức xử lý, xuề xòa hay nghiêm túc. Cũng cần giám sát hiện tượng bán TL, quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm TL tại đơn vị. Giám sát tiến độ các hoạt động đã đề ra trong kế hoạch.
PV: Để xây dựng thành công đơn vị không khói TL thì việc việc giám sát rất quan trọng, nhưng để giám sát có hiệu quả thì cần lưu ý điều gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Qua thực tế cho thấy, người thực hiện giám sát cần phải có kiến thức và kỹ năng; phải hiểu rõ nguyên tắc phòng, chống tác hại của TL; hiểu rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của TL của các cấp, các ngành, các địa phương; hiểu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của TL; nắm chắc các hành vi bị nghiêm cấm, các địa điểm cấm hút TL hoàn toàn, các địa điểm cấm hút TL trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút TL. Người thực hiện giám sát cũng cần hiểu rõ xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của TL được quy định như thế nào; hiểu rõ trách nhiệm xử lý vi phạm thuộc về những ai; hiểu rõ một số quy định khác được đề cập như quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của TL; nghĩa vụ của người hút TL; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút TL,... cũng như các kỹ năng để xử lý tình huống trong thực tế.
Ngoài ra, khi xây dựng kế hoạch phòng, chống tác hại của TL hoặc khi giám sát việc thực thi Luật thì cần nhớ rằng, mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của TL nhằm tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng TL kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp TL; không phải cấm sử dụng TL hoàn toàn mà là chỉ cấm ở những nơi có quy định cấm. Một số đơn vị khi xây dựng kế hoạch hoặc khi bình xét thi đua, khen thưởng còn nhầm lẫn ở điểm này. Do đó, chỉ nên nhắm vào hành vi hút TL nơi có quy định cấm chứ không nhắm vào người hút TL. Chúng ta cũng nên tìm kiếm sự cam kết và ủng hộ của lãnh đạo cấp cao nhất, vì như vậy sẽ rất thuận lợi trong việc triển khai thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát. Cũng cần lưu ý là tạo cơ hội cho cán bộ tham gia xây dựng nội quy và kế hoạch triển khai từ đầu để những người này hiểu, nắm rõ và đề ra hoạt động sát với thực tế của đơn vị và khi giám sát sẽ giám sát có trọng tâm.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đào tạo kỹ năng giám sát và kỹ năng ứng xử khi có vi phạm; cần khéo léo, tế nhị trong xử lý vì người vi phạm có thể là khách, đồng nghiệp, người dân, là phụ huynh, thậm chí có thể là học sinh. Đặc biệt, cần có sự kiên nhẫn và hoạt động truyền thông lặp đi lặp lại về phòng, chống tác hại của TL, kể cả khi việc thực hiện có kết quả tốt vì nếu không duy trì thì mọi việc có thể quay trở về điểm xuất phát bởi việc từ bỏ TL không phải là điều dễ dàng.
PV: Xin cảm ơn bà!./.
Thanh Bình