Tiếng Việt | English

14/09/2022 - 14:11

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh là vấn đề được nhiều người quan tâm. Để thực hiện điều đó, mỗi cá nhân cần ứng xử văn minh. Và cội nguồn hình thành nhân cách của con người bắt đầu bằng giáo dục từ gia đình và trong nhà trường.

Gia đình mẫu mực

Khi chúng tôi đến thăm, bà Lê Thị Đức (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đang chăm cháu nội. Bà Đức sống cùng vợ chồng người con gái lớn. Gia đình con trai ở ngay bên cạnh nên các cháu đều do bà trông coi. Gia đình bà Đức là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu và có nhiều đóng góp ở địa phương. Với bà, việc các con hòa thuận, yêu thương nhau và sống nghĩa tình với xóm giềng chính là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất.

Bà Lê Thị Đức đang chăm sóc cháu nội

Năm nào cũng vậy, các con của bà Đức đều vận động kinh phí tặng quà cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo trên địa bàn khu phố nhân các dịp lễ, tết hoặc đầu năm học mới. Người dân trong khu vực nói rằng, các anh, chị làm vậy bởi gia đình bà Đức từ trước nay có truyền thống sống tốt và giàu lòng nhân ái. Cách ông bà sống trở thành tấm gương sáng cho con, cháu trong nhà. Bà Đức kể: “Hôm rồi, con gái và con rể mở cho tôi một quán nước nhỏ trước nhà để tôi buôn bán đỡ buồn. Tiền lời có được tôi dành dụm để tết gửi về tặng quà cho bà con khó khăn ở quê cũ. Vì vợ chồng tôi cũng từng trải qua khó khăn, vất vả nên tôi rất hiểu và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn”.

Không chỉ thương người, hòa nhã với xóm giềng, trong gia đình, bà Đức cũng rất gương mẫu để con, cháu noi theo. Dù có chuyện gì không hài lòng bà cũng nhẹ nhàng khuyên bảo con. Chính vì thế, không khí gia đình luôn đầm ấm. Bà Đức cho hay: “Lúc sinh thời, ông nhà tôi rất chú trọng việc dạy đạo đức cho con. Tôi và ông hay ngồi trò chuyện với con, giảng giải để con hiểu rõ việc cư xử tử tế là điều đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi người. Giờ đây, thấy các con thành đạt, hạnh phúc và biết quan tâm người khác tôi cũng mừng!”. Có thể nói, sự thành đạt, tốt bụng của các con bà Đức là kết quả quá trình giáo dục từ gia đình, sự làm gương của cha mẹ.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh trông cháu nhỏ

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (ấp Cả Rưng, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) cũng là một gia đình giáo dục con, cháu bằng sự làm gương của ông bà, cha mẹ. Gia đình có truyền thống cách mạng nên ông Thanh luôn tự nhắc nhở mình và các con phải tiếp nối truyền thống ông bà để lại, chung tay xây dựng quê hương. Gia đình ông luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương: Hiến đất làm đường, đóng góp thực hiện công trình ánh sáng an ninh, trật tự,... Để phục vụ cho công trình mở rộng và tráng nhựa đường dẫn vào đường Bờ Nam sông Vàm Cỏ Tây, gia đình ông Thành đã đồng ý hiến hơn 1.000m2 đất dọc theo tuyến đường.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh đã hiến 1.000m2 đất góp phần làm tuyến đường dẫn vào đường bờ Nam sông Vàm Cỏ Tây

Noi gương cha, các con của ông Thanh cũng rất tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp xây dựng quê hương. Con gái út của ông trong suốt quá trình học đại học đã cùng các bạn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện ý nghĩa, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19, con ông cũng là tình nguyện viên tích cực ở Vĩnh Hưng. Và ông rất tự hào về điều đó! Ông Thanh chia sẻ: “Các con tôi đến trường được thầy, cô dạy điều hay lẽ phải, càng học lên cao thì kiến thức càng nhiều, hiểu biết càng rộng. Về nhà, con nhìn thấy truyền thống gia đình luôn quan tâm, yêu thương nhau, sẵn sàng góp sức giúp đỡ xóm giềng, xây dựng quê hương. Vợ chồng tôi không nói gì nhiều với con, chúng tôi làm để con nhìn thấy”.

Gia đình là nơi mỗi cá nhân gắn bó gần gũi, chia sẻ lẫn nhau, góp phần vào việc hình thành nhân cách. Muốn xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh thì trước hết cần phải xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc. Sự bền vững từ bên trong gia đình sẽ là động lực giúp mỗi cá nhân vững vàng trong xã hội rộng lớn.

Giáo dục và kinh tế - hai yếu tố song hành

Bên cạnh giáo dục bằng cách làm gương từ ông bà, cha mẹ thì những gia đình mẫu mực còn đặc biệt quan tâm đến chuyện học hành của con, em trong gia đình. Mỗi cá nhân muốn thành công trước hết phải có kiến thức để tự phát triển bản thân. Có rất nhiều gia đình, cha mẹ sẵn sàng hy sinh mọi thứ để các con được đến trường, dù có vất vả hay khó khăn tới chừng nào.

Điều đó được gia đình ông Thanh khẳng định. Ở ấp Cả Rưng, ông Thanh được người dân địa phương tín nhiệm bầu làm trưởng ấp bởi sự nhiệt tình, tốt bụng lại có trình độ. Hai con của ông hiện đều học hành thành đạt và có công việc ổn định. Ông Thanh nói: “Hồi xưa, nhà tôi khó khăn lắm nhưng cha mẹ tôi vẫn quyết tâm cho anh, chị, em tôi đi học. Bởi vậy, bây giờ, tôi cũng lo cho 2 con học hành tới nơi tới chốn. Tôi thấy chỉ có học, tích lũy kiến thức mới có thể có được công việc tốt và cải thiện cuộc sống. Bây giờ, thấy cháu nào trong ấp có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn là tôi cũng hết lòng vận động, hỗ trợ để cháu được đến trường”.

Trường Tiểu học và THCS Tuyên Bình Tây được đầu tư đạt chuẩn quốc gia

Những nỗ lực của những cá nhân như ông Thanh đã góp phần giúp Tuyên Bình Tây được công nhận là xã văn hóa - nông thôn mới vào năm 2021. Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình Tây - Trần Văn Khánh cho biết, vốn là một xã vùng sâu nên Tuyên Bình Tây gặp rất nhiều khó khăn trong việc phấn đấu đạt danh hiệu xã văn hóa - nông thôn mới vì đời sống vật chất và tinh thần của người dân thấp hơn so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của địa phương và người dân, Tuyên Bình Tây đã được công nhận là xã văn hóa - nông thôn mới, đang hướng tới xây dựng thành công xã nông thôn mới vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Đảng ủy, UBND xã Tuyên Bình Tây triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp người dân phát triển kinh tế: Giới thiệu việc làm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội,… Từ đó, đời sống người dân dần được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.

Ngoài ra, xã còn nỗ lực thực hiện tốt phổ cập giáo dục. Cơ sở vật chất tại trường học được quan tâm. Trên địa bàn xã có 1 trường mẫu giáo, 1 trường Tiểu học và THCS. Mới đây, nhờ được đầu tư xây dựng, Trường Tiểu học và THCS Tuyên Bình Tây được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Mỗi gia đình đều có tivi, điện thoại thông minh có kết nối Internet, việc truy cập và tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Tận dụng lợi thế đó, ngoài thực hiện tuyên truyền bằng hình thức truyền thống qua loa, đài, họp chi, tổ hội,... Tuyên Bình Tây còn xây dựng trang thông tin riêng của xã và thành lập nhóm zalo tại các ấp do trưởng ấp quản lý để dễ dàng tuyên truyền cho người dân các thông tin cần thiết.

Nhờ vậy, đời sống văn hóa tại xã có nhiều tiến bộ. Việc cưới, việc tang tại địa phương được tổ chức văn minh, người dân bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu cũng như biết cẩn trọng trong việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Ngoài ra, cũng nhờ vậy, tình làng, nghĩa xóm được củng cố thêm rất nhiều. Ông Trần Văn Khánh cho biết, đầu năm 2022, trên địa bàn xã xảy ra lốc và mưa đá gây thiệt hại cho người dân. Ngoài việc phối hợp chính quyền thống kê, báo cáo, đề xuất hỗ trợ, người dân trong các ấp đã tự kêu gọi chung tay giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại: Đóng góp ngày công dọn dẹp, sửa chữa nhà, thu hoạch lúa còn sót lại trên đồng,...

Để xây dựng được một môi trường văn hóa cần rất nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố quan trọng vẫn là giáo dục, đặc biệt là giáo dục từ phía gia đình. Và muốn có được một gia đình vững chắc cần có sự phối hợp đồng bộ giữa việc phát triển kinh tế và giáo dục của mỗi địa phương và trong từng gia đình./.

Muốn xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh thì trước hết cần phải xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc. Sự bền vững từ bên trong gia đình sẽ là động lực giúp mỗi cá nhân vững vàng trong xã hội rộng lớn”.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Địa chỉ thu mua vải giá cao thông tắc cống