Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại cuộc họp
Tiếp và làm việc đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện; Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cùng đại diện các sở, ngành, HTX.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch LMHTX Việt Nam - Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: Thời gian qua, sản phẩm thanh long của Long An góp phần rất lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của các huyện trồng thanh long trong tỉnh. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên cũng nhờ phát triển cây thanh long. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thanh long còn bất cập và nhiều tồn tại, có nhiều mặt chưa đáp ứng và phù hợp với nền kinh tế thị trường nên chưa phát huy hết giá trị kinh tế to lớn của cây thanh long.
Tính đến nay, tổng diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh gần 12.000ha, trong đó có 600ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, một số ít diện tích đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, phân bố tại một số huyện như Châu Thành, Tân Trụ, TP.Tân An,… Toàn tỉnh có 25 HTX sản xuất; 160 HTX, tổ hợp tác thu mua, chế biến, trong đó có 100 cơ sở có kho lạnh bảo quản. Ngoài ra, tỉnh hiện có 6 cơ sở chế biến các sản phẩm từ thanh long: Nước thanh long, thanh long sấy khô, ép dẻo,...
Đoàn cán bộ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đến thăm Công ty Cổ phần thực phẩm HG, ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa (Công ty sản xuất thanh long sấy giòn)
Từ năm 2018, Trung Quốc yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Để đáp ứng yêu cầu trên, ngành Nông nghiệp phối hợp Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cấp mã số vùng trồng và nhà đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các tổ chức của nông dân như tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX sản xuất thanh long được thành lập nhưng vẫn chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng. Sản xuất chưa liên kết chặt chẽ với tiêu thụ nên thị trường tiêu thụ vẫn chưa ổn định và bền vững, còn phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc, giá cả thiếu ổn định.
Để giải quyết vấn đề vướng mắc này, hai bên đã làm việc, cùng bàn bạc về chủ trương, mục đích, nội dung chương trình Đề án và biện pháp phối hợp UBND tỉnh Long An và các sở, ngành với LMHTX Việt Nam, Tập đoàn Lavifood, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai, Ngân hàng thương mại và các đơn vị liên quan nhằm triển khai xây dựng Đề án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh cho biết: "Về cơ bản, UBND tỉnh Long An thống nhất với nội dung Đề án Đầu tư phát triển chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025. Hướng tới sẽ trình lãnh đạo tỉnh xem xét thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện để góp phần vào sự thành công của Đề án".
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác LMHTX Việt Nam đi khảo sát, làm việc với UBND huyện Châu Thành và một số HTX thanh long, cơ sở chế biến để xây dựng và triển khai Đề án./.
Song Hồng