Tổ chức Diễn đàn trẻ em, tuyên truyền thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em Ảnh: P.T.N
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH Long An, trên địa bàn tỉnh có 2.525 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các em được chăm sóc, bảo vệ toàn diện. Năm 2016, có 22 trẻ em bị xâm hại, không có trẻ em bị bạo lực, chưa phát hiện trẻ em bị mua bán, bắt cóc; 143 trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật, 1.320 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có 28 trẻ em tử vong. Nhiều xã chưa thực hiện các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em (tiêu chí 15 trong đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em). |
Vì sự phát triển toàn diện của trẻ
Để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Long An tổ chức nhiều hoạt động truyền thông vận động xã hội: Hội thi tuyên truyền về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; phát động Tháng hành động Vì trẻ em và diễn đàn trẻ em ở các cấp; xây dựng panô tuyên truyền thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em; in 2.800 sổ tay hướng dẫn công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em giai đoạn 2016-2020;...
Sở tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Sở LĐ-TB&XH tổ chức 2 lớp tập huấn, triển khai Luật Trẻ em năm 2016, hướng dẫn các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho trên 200 cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp huyện và cấp xã; mở 7 lớp tập huấn phần mềm quản lý trẻ em cho 192 cán bộ LĐ-TB&XH xã, phường, thị trấn.
Nhằm thực hiện tốt chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngành LĐ-TB&XH phối hợp các ban, ngành, đoàn thể xây dựng, tổ chức nhiều mô hình truyền thông.
Tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An hình thành mô hình Sữa học đường ở Trường Mầm non Họa Mi và Trường Mẫu giáo Hoa Sen. Theo Phó Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Hoa Sen - Nguyễn Thúy Phương, mô hình được sự tài trợ của Nutifood áp dụng từ năm 2011 đến nay, qua đó, giúp rèn luyện thể chất, sức khỏe và trí tuệ cho các em. Hơn 400 em học sinh của trường được chăm sóc sức khỏe theo chuẩn Nutifood đề ra.
Ngoài việc thực hiện mô hình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, UBND thị trấn Bến Lức phối hợp công an và các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác giáo dục, phòng ngừa trẻ em vi phạm pháp luật.
Trung tá Huỳnh Văn Tét - Trưởng Công an thị trấn Bến Lức, cho biết: “Thực hiện nhiều mô hình, cách thức tiếp cận trẻ em, chúng tôi phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể, khu phố nhằm phát hiện và kịp thời có biện pháp giáo dục, phòng ngừa trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật. Đặc biệt, mô hình “Đàm thoại trực tiếp trẻ em và gia đình” mang lại hiệu quả thiết thực. Trong năm 2016 và quí I-2017, trên địa bàn thị trấn không có trẻ em vi phạm pháp luật, bị xâm hại, bị bạo lực, mua bán và bắt cóc cũng như phải lao động nặng nhọc”.
Mô hình “Sữa học đường” bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Trường Mẫu giáo Hoa Sen, thị trấn Bến Lức, huyện Bến LứcNgành Công an tổ chức các câu lạc bộ pháp luật, các hình thức phổ biến pháp luật, các phóng sự về phòng, chống ma túy, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trên trang Thông tin điện tử của Công an tỉnh.
Kết quả trong năm 2016, tuyên truyền 195 cuộc cho 8.786 lượt gia đình, trẻ em tham dự. Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức giao lưu, có gần 400 trẻ em và cha mẹ dự nghe. Từ những hoạt động trên, trẻ em, gia đình và xã hội dần nâng cao hiểu biết, nhận thức về phòng, chống xâm hại, bạo hành với trẻ em, đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống, bảo vệ sự phát triển an toàn cho trẻ.
100% xã, phường, thị trấn ðạt chuẩn
Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2016, chất lượng xã, phường, thị trấn (gọi chung xã, phường) đạt chuẩn cao hơn năm trước. Cụ thể, 100% xã, phường đạt chuẩn phù hợp với trẻ em, trong đó có 128 địa phương đạt trên 900 điểm, tăng 32 xã so với năm 2015. Số xã có điểm dưới 850 chỉ còn 12 xã (giảm 32 xã so với năm 2015), vượt chỉ tiêu.
Xã Long Trạch, huyện Cần Đước là đơn vị đứng đầu cả tỉnh, đạt số điểm cao nhất về tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em năm 2016. Tại xã, Trạm Y tế tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề nuôi con khỏe, phòng, chống bệnh tật, tai nạn, thương tích cho trẻ em. Năm 2016, xã tổ chức 9 cuộc với gần 300 người dự. UBND xã tổ chức điều tra, rà soát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và tình trạng tảo hôn, qua đó, có 12 em bị khuyết tật và 28 em sống trong gia đình thuộc hộ nghèo,... Xã làm tốt việc tạo sân chơi cho các em, tổ chức sinh hoạt văn hóa lành mạnh, các trò chơi và thể thao.
Thị trấn Cần Đước thành lập tổ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, năm 2016, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cơ sở thờ tự hỗ trợ mỗi trẻ mồ côi mỗi tháng 500.000 đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến trường. UBND xã vận động đoàn y, bác sĩ tình nguyện khám bệnh miễn phí cho trẻ em.
Với những kết quả trên, đa số trẻ em tỉnh Long An có được môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, được quan tâm, chăm sóc từ cộng đồng, các quyền cơ bản của trẻ em được chú trọng thực hiện. Từ đó, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, rèn luyện trí tuệ và nhân cách.
Được biết, năm 2017, Sở LĐ-TB&XH quan tâm xây dựng các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp với từng địa phương; đầu tư ngân sách cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tổ chức nhiều diễn đàn, tọa đàm, huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giúp các em được phát triển trong môi trường lành mạnh, trở thành người công dân có ích cho xã hội, hoàn thiện về nhân cách và tri thức đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nhà.
Năm 2016, Long An có 192/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phù hợp với trẻ em, trong đó,128/192 xã, phường, thị trấn đạt 900 điểm trở lên. Xã Long Trạch, huyện Cần Đước đạt số điểm cao nhất - 985 điểm. Toàn tỉnh hiện có 192 cán bộ, công chức LĐ-TB&XH kiêm nhiệm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra có 3.500 cộng tác viên dân số - gia đình và trẻ em tại các ấp, khu phố và 192 Hội Đồng đội cấp xã tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiếu nhi trên địa bàn dân cư. |
Đại Lâm