Tiếng Việt | English

16/01/2019 - 09:58

Xây nhà bị nghiêng, mất lòng hàng xóm

Gửi đơn đến Tòa soạn Báo Long An, ông Đặng Văn Dũng, ngụ ấp Long Hưng, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, phản ánh về việc nhà ông bị sụt lún, xuất hiện nhiều vết nứt trên các vách tường do ảnh hưởng từ việc nhà hàng xóm liền kề thi công xây dựng.

Vách nhà lầu của bà Phạm Thị Men bị nghiêng qua thửa đất của ông Đặng Văn Dũng nên ông không thể đổ lên cột được và phải ngưng việc xây dựng nhà cho đến nay

Vách nhà lầu của bà Phạm Thị Men bị nghiêng qua thửa đất của ông Đặng Văn Dũng nên ông không thể đổ lên cột được và phải ngưng việc xây dựng nhà cho đến nay

Bỗng dưng nhà bị sụt lún, nứt tường

Ông Đặng Văn Dũng trình bày: “Tháng 12/2015, bà Phạm Thị Men - chủ nhà liền kề với nhà tôi, khởi công xây nhà 1 trệt - 2 lầu, đã tác động đến phần móng, gây ảnh hưởng đến kết cấu căn nhà của tôi. Cụ thể, khi đào móng đóng cừ thì đào sát vách nhà tôi. Do đào quá sâu, lòi cả móng nền nhà tôi. Sau khi nhà bà Men xây lên khoảng 1m thì dàn đà của nhà tôi bị gãy, vách tường hông nhà nứt dọc theo dàn đà, căn nhà tôi bị nghiêng một bên, đất gạch nhà trước bị đùn lên”.

Tháng 4/2016, khi phát hiện sự cố sụt lún nền, vết nứt trên vách tường, ông Dũng đã phản ánh sự việc đến UBND xã, yêu cầu được giải quyết. Sau đó, cán bộ địa phương xuống ghi nhận tình hình. Chính quyền địa phương mời cả 2 bên đến hòa giải. Phía bà Men đồng ý bồi thường cho ông Dũng 30 triệu đồng để sửa chữa nhà và ông Dũng đồng ý nhận tiền bồi thường thiệt hại.

Nhận thấy nhà thấp, nước ngập lại bị dột, ông Dũng đã xây dựng lại nhà cấp 4. Khi thợ đổ móng nền thì phát hiện vách nhà lầu của bà Men bị nghiêng qua thửa đất của ông Dũng chiều ngang khoảng 0,1m, dài khoảng 16m nên không thể đổ lên cột được và phải ngưng việc xây dựng nhà cho đến nay.

Ngày 17/8/2017, Hội đồng hòa giải xã giải quyết và vận động ông Dũng dời thi công nhà vô 0,1m. Tuy nhiên, ông Dũng không đồng ý vì chiều ngang đất quá hẹp, còn phía bên bà Men cho rằng, lỗi do phía thi công xây dựng nhà ông Dũng đào móng làm nhà của bà bị nghiêng. Ông Dũng bức xúc: “Tôi xây dựng nhà cấp 4, làm móng đơn sơ và không có đào sâu nên không ảnh hưởng đến nhà bà Men. Nhà bà Men bị nghiêng là do thầu thi công xây dựng không đúng kỹ thuật, căn nhà bị nghiêng như vậy rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng gia đình tôi. Từ ngày xảy ra vụ việc, đến nay hơn 1 năm, gia đình tôi khổ sở, buộc phải ở nhà thuê vì không có chỗ ở”.

Khi phóng viên trực tiếp đến khảo sát hiện trường căn nhà của bà Men và nhà ông Dũng, trao đổi trực tiếp với bà Men về vấn đề trên, nhưng bà Men từ chối trả lời vụ việc và cho biết đã ủy quyền mọi vấn đề, thủ tục cho người thân, mọi việc hãy đợi giải quyết theo quy định của pháp luật.

Khởi kiện ra tòa vẫn… chưa giải quyết?!

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã - Võ Anh Tuấn cho biết, khi xảy ra sự việc, phía ông Dũng có khiếu nại và UBND xã đã cử cán bộ đến ghi nhận sự việc và tiến hành hòa giải. Nhưng đã qua lần hòa giải thứ 2 vẫn không thành. Theo quy định, chính quyền địa phương hòa giải không thành 2 lần thì hướng dẫn các bên khiếu kiện ra tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày 26/6/2018, ông Dũng có đơn yêu cầu thẩm định độ nghiêng và chất lượng vật tư xây dựng nền, móng đà. Tòa án nhân dân (TAND) huyện có Quyết định số 05/2018, ngày 06/7/2018 yêu cầu Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng) tỉnh giám định xác định độ nghiêng và chất lượng vật tư xây dựng nền, móng đà.

Theo báo cáo kết quả giám định chất lượng công trình xây dựng thuộc Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng - Sở Xây dựng thì việc kiểm tra độ nghiêng nhà được kiểm tra tại 5 vị trí nhà ở của bà Men có độ nghiêng về phía ông Dũng so với chiều cao của công trình (từ nền hoàn thiện đến hết lan can sân thượng là 7,7m). Trong đó, nghiêng lớn nhất vị trí cột G2 với 125mm (1,623%). Các vị trí cột G2, E2, D2, C2, B2 kiểm tra bên trên có độ nghiêng lần lượt nằm ngoài phạm vi cho phép tại mục 5.2.5.4 của TCVN 9381:2012 là 1%.

Tuy nhiên, hộ gia đình bà Men đã thi công phần móng bêtông cốt thép trên nền đất gia cố cừ tràm. Hồ sơ thiết kế móng cọc bêtông cốt thép. Trung tâm hiện chưa đào kiểm tra vật liệu thi công phần móng vì công trình đang sử dụng.

TAND huyện cho rằng, trong đơn ông không yêu cầu giám định phần móng đà (phần móng cừ) nên tòa án không xem xét. Ngày 28/11/2018, ông Dũng nộp đơn đến TAND huyện Cần Đước yêu cầu tòa án ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định móng cọc (phần móng cừ) căn nhà của bà Phạm Thị Men nghiêng qua thửa đất ông.

Căn cứ biên bản thẩm định ngày 27/10/2017, TAND huyện dùng phương pháp thả dây xác định được nhà của bà Men phía trước có độ nghiêng 0,08m, phía sau có độ nghiên 0,085m. TAND huyện cho rằng, phía bị đơn là bà Men đã xác định có lỗi trong xây dựng, đồng ý bồi thường, đồng thời phần thẩm định nền móng phải tiến hành ở độ sâu có thể ảnh hưởng toàn bộ công trình nhà ở của bà Men. Do đó, tòa án bác đơn của ông Dũng, không chấp nhận yêu cầu bổ sung thẩm định phần móng cọc (phần móng đà). Trên thực tế, quá trình giải quyết vụ án, bà Men chỉ đồng ý hoàn trả giá trị tiền phần nhà nghiêng lấn chiếm đất của ông Dũng diện tích là 1,7m2. Trong khi đó, việc xây dựng nhà có bảo đảm chất lượng công trình hay không vẫn chưa được làm rõ và nguy cơ ảnh hưởng đến hộ ông Dũng như thế nào vẫn không được TAND huyện đề cập đến.

Diễn biến trên cho thấy, kể từ khi có đơn yêu cầu của ông Dũng gởi đến UBND xã và khởi kiện ra TAND huyện, đã có nhiều biên bản, văn bản, cuộc họp giải quyết về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong vụ việc. Tòa vẫn tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, đưa vụ án ra xét xử theo luật định. Còn hiện nay, ông Dũng vẫn tiếp tục phải chờ tòa giải quyết và công trình xây dựng nhà dang dở thì đành... chờ!

Việc tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật); có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì bị cơ quan thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định tại Điều 3 “Về xử lý công trình xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận, có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận quy định tại khoản 2, khoản 4, Điều 13; khoản 2, khoản 5, Điều 27 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích