Chiếc Nissan Qashqai phiên bản 2017 - Ảnh: Autocar
Công nghệ xe tự lái Propilot
Phiên bản nâng cấp facelift của Nissan Qashqai 2017 vượt trội hơn so với “người tiền nhiệm” ở khả năng vận hành, nhờ việc tinh chỉnh hệ thống treo, vôlăng và trang bị thêm công nghệ tự lái Propilot. Nội - ngoại thất cũng được thiết kế lại, hiện đại, bắt mắt với nhiều chi tiết sử dụng chất liệu cao cấp.
Tính năng Propilot của Qashqai thế hệ mới giúp xe tự động kiểm soát tốc độ và tính toán khoảng cách hợp lý đối với xe phía trước, ngoài ra hệ thống còn giúp người lái điều khiển ga, phanh, duy trì vận tốc an toàn trên làn đường cố định.
Qashqai 2017 có các phiên bản tùy chọn: máy xăng dung tích 1.2L và 1.6L, lần lượt cho công suất 113 mã lực và 161 mã lực; động cơ dầu 1.5L và 1.6L.
McLaren 720S với hệ thống lái Proactive Chassis Control II
Như một siêu xe bước ra từ phim khoa học viễn tưởng, McLaren 720S sở hữu khối động cơ M480T tăng áp kép V8, dung tích 4.0L, sản sinh công suất 710 mã lực và mômen xoắn cực đại 770Nm, có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h trong vòng 2,9 giây. Hãng xe cho biết khoảng 41% bộ phận cấu thành động cơ hoàn toàn mới.
Siêu xe McLaren 720S trong buổi cuối triển lãm Geneva 2017 - Ảnh: Autocar
Hệ thống hút khí thải bằng nhôm có thể quan sát, nhờ vỏ bao động cơ dạng lưới. Hệ thống phun được cải tiến, thay vì chỉ bơm nhiên liệu, nó cho phép đo chính xác hơn, giảm lượng khí thải CO2 xuống 10%, ở khoảng 249g/km.
Sự cải tiến lớn trong hệ thống của 720S nằm ở hệ thống lái Proactive Chassis Control II (PCCII), phần mềm tinh chỉnh mới là kết quả nghiên cứu trong vòng 6 năm bởi các nhà khoa học hàng đầu của hãng xe cùng với Đại học Cambridge. Hệ thống giúp đánh giá các điều kiện và điều chỉnh hệ thống treo trong mỗi 5 mili giây, bao gồm chức năng variable drift - kiểm soát tốt khi trượt.
Xe điện lên ngôi
Đứng trước bờ vực phá sản, hãng xe Đức quyết tung chiến binh Artega Scalo Superellatra như cuộc hồi sinh.
Được trang bị hệ thống truyền động điện với 2 môtơ điện, Artega Scalo Superellatra cho công suất 1.020 mã lực, có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h trong vòng 2,7 giây với vận tốc tối đa 300 km/h.
Trong mỗi lần sạc, xe có thể chạy khoảng 500km. Hãng Artega cho biết họ chỉ sản xuất 50 chiếc, với mức giá dự kiến 1,6 triệu USD.
Siêu xe điện triệu đô Artega Scalo Superellatra - Ảnh: Autoblog
Cũng trong đầu năm nay, đảo quốc sư tử chính thức trình làng mẫu concept siêu xe điện thể thao với tên gọi Dendrobium, có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong vòng 2,7 giây với vận tốc tối đa 322 km/h.
Siêu xe điện thể thao Dendrobium của Singapore - Ảnh: straitstime
Được xem là siêu xe đầu tiên của Singapore, mẫu xe điện thể thao 2 chỗ Dendrobium là kết quả hợp tác giữa công ty điện tử di động hàng đầu Singapore - Vanda Electrics và đối tác kỹ thuật Williams Advance Engineering (thuộc Tập đoàn William Group, Mỹ), phụ trách vấn đề: khí động học ứng dụng từ xe đua, vật liệu nhẹ, hệ động lực chạy điện...
Xe có khung đơn mảnh làm từ vật liệu tổng hợp, nặng 1.750kg, vỏ xe làm hoàn toàn từ sợi carbon. Dự kiến Dendrobium EV Concept sẽ được đưa vào sản xuất thương mại kể từ năm 2020.
Những mẫu ý tưởng (concept) du hành từ tương lai
Airbus ra mắt thế giới mẫu xe điện có khả năng bay như trực thăng, quãng đường đi với một lần sạc đầy lên đến 100 km. Mẫu xe được kỳ vọng tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực giao thông vận tải, giải quyết nạn kẹt xe. Tuy nhiên, để đưa xe bay Pop.Up vào thực tiễn, các chuyên gia cần phải nghiên cứu thêm về vấn đề công nghệ, pháp lý.
Xe bay Pop.Up sử dụng trí tuệ nhân tạo và các module cho phép xe có thể bay trên trời - Ảnh: Autocar
Toyota ra mắt siêu phẩm concept khá dị có tên i-TRIL, sở hữu cụm 3 ghế ngồi, có khả năng nghiêng theo hướng đánh lái. Đặc biệt nhất, xe được vận hành nhờ 2 nút điều khiển giống chuột máy tính thay vì vôlăng và bàn đạp.
Siêu phẩm khá dị i-TRIL của hãng xe Nhật Toyota - Ảnh: Autocar
Tuổi trẻ/Theo Autocar, Autoblog