Tiếng Việt | English

10/06/2015 - 15:14

Xe nhang góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Với bản tính cần cù, chịu khó, bà Huỳnh Thị Đào, ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh đã mạnh dạn đầu tư mua máy xe nhang và nhận gia công, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Từ khi mô hình làm nhang ra đời tạo được việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nhất là những hộ không có đất sản xuất và lao động nhàn rỗi.

Trong một dịp tình cờ bà Đào đến Tiền Giang, thấy việc làm nhang của người dân nơi đây rất nhẹ nhàng, thu nhập ổn định nên bà bàn bạc với gia đình đầu tư trên 100 triệu đồng để mở xưởng sản xuất nhang tại nhà. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình sản xuất chủ yếu là nhang đen và nhang vàng. Hai loại nhang trên được tiêu thụ chủ yếu trong nước nên đơn đặt hàng không nhiều, đồng thời do làm thủ công nên mẫu mã không đẹp, ít được ưa chuộng,… Không nản chí, bà Đào tiếp tục khuyến khích con trai Nguyễn Thịnh Phú lên TP.HCM học hỏi kinh nghiệm, còn bà tìm hiểu thị trường. Sau đó, bà tiếp tục đầu tư 5 máy xe nhang và bắt đầu làm nhang trắng, mẫu mã đẹp hơn, loại nhang này tiêu thụ cả trong và ngoài nước nên sản lượng tăng lên nhiều lần so với cách làm thủ công. Bị thương lái ép giá khiến hàng xuất đi nhiều nhưng lợi nhuận không cao, bà cất công lên TP.HCM tìm mối giao hàng. Được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, giá phù hợp, sản phẩm nhang của bà được Cty Hà Trì thu mua với giá cao để xuất khẩu sang Ấn Độ. Hàng ngày, gia đình bà thuê thêm 4 nhân công xe nhang với thu nhập bình quân trên 90.000 đồng/người/ngày.

Góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, bà Đào đề nghị Cty mua thêm máy về cho người dân gia công tại nhà. Ngoài ra, bà còn cung cấp nguyên liệu như: Bột, tăm, keo,… cho người dân tự làm và đứng ra thu mua nhang thành phẩm với giá thấp hơn khi bán tại Cty 500 đồng/kg. Đến nay, tổ hợp tác xe nhang được đầu tư trên 100 máy với hơn 60 hộ tham gia. Hàng tháng, bà cung cấp khoảng 40 tấn nhang cho Cty Hà Trì. Thời gian tới, bà Đào sẽ đầu tư thêm máy và chuẩn bị thành lập Cty riêng để chủ động đầu ra.

Chia sẻ về nghề xe nhang, anh Lâm Văn Thức, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh cho biết: “Trước đây, tôi làm bảo trì cho Cty may nhưng thu nhập không ổn định nên cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn. Sau này, thấy việc làm nhang của cô Đào nhẹ nhàng và có thu nhập ổn định nên tôi theo học hỏi kinh nghiệm và mua 1 máy về làm thử. Thấy có hiệu quả, tôi đầu tư thêm 2 máy. Thu nhập của gia đình tôi từ đó cũng khá hơn”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tân Thạnh – Võ Hồng Thái cho biết: “Từ khi mô hình làm nhang ra đời tạo được việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nhất là những hộ không có đất sản xuất và lao động nhàn rỗi. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân mua máy sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết