Ví như tiếng còi tàu hun hút xuyên qua màn sương lạnh, chở những giấc mơ sum vầy về với mái ấm yêu thương hay là tiếng lao xao, rủ rỉ của các cô, các bác cùng xách giỏ đi chợ sắm tết, chuẩn bị làm hũ tôm chua, dưa ngọt, bánh cốm, bánh in, mà tôi nghe được trước con ngõ nhỏ khi mặt trời vừa thức dậy. Ngồi dưới mái hiên, nghe tiếng gió thì thào trên những tán cây, tiếng chim én gọi nhau về ríu rít, tôi thấy lòng mình bắt đầu nôn nao. Tết sắp về rồi, mùa xuân đang đứng trước cánh cổng thời gian mà vẫn còn ngập ngừng chưa bước qua, chỉ ghé mắt vào từng nhà xem đã sắm sửa thế nào. Từ trong mỗi ngôi nhà, những thanh âm chuẩn bị đón vị khách mùa xuân vang lên sinh động, tạo thành một điệp khúc rộn ràng cuối năm. Cũng là những thanh âm quen thuộc của mọi ngày, nhưng đến dịp cận tết, chúng bỗng khác lạ và tươi mới.
Bắt đầu là thanh âm tất bật, khẩn trương, vang lên trong những ngày cả gia đình dọn nhà đón tết. Mẹ bưng chồng chén bát quanh năm chỉ dùng vào những dịp cúng giỗ, được đặt trong chiếc chạn, ra bờ giếng ngồi rửa lại từng cái. Tiếng chén bát chạm vào nhau lanh canh, tiếng nước chảy réo rắt, thỉnh thoảng, tiếng gầu va vào thành giếng vọng lên trong veo. Chị tôi tranh thủ chút nắng cuối mùa vừa hửng lên, đem mền mùng ra giặt, tiếng bàn chải sột soạt, nhịp nhàng cùng tiếng xối nước, tiếng hát thầm khe khẽ, vui tươi. Trong nhà, thằng Út mở liên khúc nhạc xuân rộn ràng, rồi hí hoáy lau chùi trước sau. Ngoài vườn, cha cặm cụi tỉa lá, vun xới cây kiểng, treo lên giàn mấy chậu phong lan, rồi tưới nước cho những luống rau tết. Tiếng máy bơm nước đều đều, như làm nền cho bản hòa ca xôn xao ngày cuối năm.
Vào độ tháng Chạp, về nhà ngồi trong căn bếp ấm, sẽ được nghe bao thanh âm giòn giã vang lên xung quanh mình. Bàn tay mẹ thoăn thoắt khuấy bột, rang đậu, tiếng cối chày vang lên nhịp nhàng, đều đặn. Lửa trong lò reo vui tí tách, nhành củi khô bén gió cháy xì xèo. Mẹ làm mứt dừa, mứt gừng, bánh in, những thức quà quê dân dã, thơm phức. Những ngày cuối năm, mẹ luôn tay nấu nướng, dọn dẹp, góc bếp nhỏ nhộp nhịp, chật ních niềm háo hức của bọn trẻ trước những chiếc bánh. Rồi tới 28, 29 tháng Chạp, cũng trong căn bếp ấm, cả nhà lại ngồi quanh nồi bánh tét bập bùng ánh lửa, nước sôi ùng ục, tiếng cười nói râm ran. Góc bếp nhỏ cuối năm vang lên bản hòa ca tất bật, rộn rã, mà mẹ chính là người nhạc trưởng tháo vát, đảm đang, thổi vào lòng tôi ngọn gió yên bình.
Cuối năm, ngoài đồng đang vào mùa cấy, các cô, bác nông dân vừa cấy lúa, vừa chuyện trò xôn xao. Những tấm lưng tảo tần lom khom giữa màu nắng mới, gót chân nứt nẻ bì bõm lội trong bùn nước, bàn tay cần mẫn cấy những hàng mạ xanh rì. Giọt mồ hôi rịn ướt chiếc nón lá cũ sờn, vậy mà nụ cười hồn hậu vẫn nở trên những khuôn mặt lam lũ, như sưởi ấm cả ngày đông. Trẻ con ùa ra triền đê náo nức vui đùa, nghêu ngao khúc đồng dao có cánh cò, cánh vạc, rồi cùng chơi trò “rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc…”. Tiếng sóng sông quê yên ả, rì rào, vỗ vào mạn đò chòng chành mơ ngủ. Vườn nhà ai đàn gà con tíu tít theo mẹ tìm mồi, heo trong chuồng ụt ịt đòi ăn, bàn tay ai quét lá khô xạc xào ngõ vắng. Những ngày cuối năm, rời xa khoảng trời phố thị ồn ã, tôi về lại nơi chôn nhau cắt rốn, điềm tĩnh lắng nghe bao thanh âm bình dị, chất phác, thấy lòng mình yêu da diết quê hương…
Tôi đang đi giữa vô vàn thanh âm, tạo nên những ngày cuối năm ăm ắp yêu thương, nồng đượm ân tình. Sống chậm lại, cho bản thân giây phút an nhiên, để học cách lắng nghe những xao động quanh mình. Sau bao sóng gió ngoài kia, ta lắng lòng cảm nhận thanh âm của yêu thương, của sức sống thầm lặng, nghe chim ca tiếng hót, sương rơi nhánh cỏ, hạt giống đâm chồi gọi mùa xuân…
Trần Văn Thiên